(HNM) - Đầu tư nâng tầm cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế - những người “gác cổng pháp luật” được Đảng, Nhà nước xác định là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương; tạo cơ sở pháp lý an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở không ít nơi, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Hơn 7.000 cán bộ làm công tác pháp chế
Sau hơn 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-7-2011 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đến nay, tất cả các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước đều thành lập tổ chức pháp chế và đi vào hoạt động ổn định. Tại các cơ quan bộ, ngành có 4.429 người, tại khối doanh nghiệp nhà nước có 534 người, tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 2.591 người làm công tác pháp chế.
Theo Bộ Tư pháp, các bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể cho công tác này. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Thanh Ngọc thông tin, đội ngũ pháp chế của ngành đã chủ động “gác cổng pháp luật”, tham mưu ban hành các văn bản pháp quy, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý ngoại hối, tài sản của các tổ chức tín dụng... Đây là những quy định cải cách mạnh mẽ, phục vụ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước trong việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Còn theo Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Minh Khoa, từ năm 2006, Tập đoàn đã thành lập Ban Pháp chế, sau này triển khai đến 9 tổng công ty trực thuộc với 522 người tham gia. Hiệu quả thấy rõ trong việc tư vấn, tham mưu lãnh đạo doanh nghiệp trước khi ra quyết định về quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp với pháp luật, phòng ngừa rủi ro pháp lý, nâng cao công tác quản trị...
Tạo điều kiện, động lực phát triển
Tuy nhiên, trong khi ở cấp trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác pháp chế, thì ở cấp địa phương, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở một số nơi còn chưa thống nhất; trình độ, năng lực của đội ngũ người làm pháp chế chưa đồng đều. Đặc biệt, ở trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ đều đã thành lập Vụ Pháp chế (Bộ Công an thành lập Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp; tại Văn phòng Chính phủ là Vụ Pháp luật; Bộ Ngoại giao có Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế…) nhưng ở địa phương còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh tinh giản biên chế mạnh mẽ, từ năm 2021, 38/63 địa phương đã giải thể, sáp nhập đơn vị “Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật”, đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn thiếu về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm. Nhiều nơi chưa thành lập được tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, mà chủ yếu bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí và các trang thiết bị cho hoạt động quản lý nhà nước và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác thi hành pháp luật còn thiếu; hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này dẫn đến việc rà soát văn bản của Trung ương để ban hành văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền trong một số lĩnh vực chưa toàn diện, thiếu kịp thời.
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế; tạo điều kiện, động lực cho cán bộ pháp chế phát triển. Đồng thời, tăng cường năng lực, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, trong đó mỗi người phải tự đào tạo, học hỏi, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo chương trình riêng cho cán bộ pháp chế cũng như đào tạo kỹ năng tại Học viện Tư pháp.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; thành lập một số phòng pháp chế tại một số sở, ngành ghép với phòng chuyên môn khác; bổ sung tổ chức pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo hướng này, cách tiếp cận mới là sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tập trung quy định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xem xét tổ chức pháp chế ở bộ, ngành theo hướng mở hơn, không cứng nhắc.
Ở địa phương, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, chỉ thành lập Phòng Pháp chế ở đơn vị có nhiều công việc liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo…; xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.