Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm chất lượng khám, chữa bệnh

Xuân Lộc| 02/10/2020 06:18

(HNM) - Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô đã có đổi mới, tiến bộ rõ nét. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên ở tất cả các tuyến y tế.

Nhiều bệnh viện của thành phố Hà Nội đã được đầu tư về cơ sở vật chất và chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng làm tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong ảnh: Chăm sóc, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên).

Chấm dứt tình trạng quá tải bệnh viện 

Năm năm qua (giai đoạn 2016-2020), thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội đã quan tâm, tập trung đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nổi bật là thành phố đã hoàn thành 7 dự án nâng cấp, cải tạo các bệnh viện: Đa khoa Mê Linh, Đa khoa Sóc Sơn, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Đông Anh, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội. Nhờ việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhiều cơ sở y tế, từ năm 2015 đến năm 2019, tỷ lệ giường bệnh tăng từ 21,7 lên 26,8 giường/10.000 dân. Đặc biệt, từ năm 2017, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến thành phố đã chấm dứt, công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường kế hoạch đạt gần 115%.

Những năm trước, mỗi lần đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, người bệnh luôn mang cảm giác ám ảnh về sự xuống cấp. Thế nhưng, từ tháng 6-2017, bệnh viện chuyển đến cơ sở mới khang trang, sạch đẹp tại xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), cộng với chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện nên người bệnh hài lòng, không muốn chuyển lên tuyến trên. Hiện tại, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh trung bình có từ 500 đến 700 lượt người khám/ngày.

Không chỉ nâng cấp về cơ sở vật chất, giai đoạn 2016-2020, các bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục được đầu tư trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, trong đó nhiều trang thiết bị hiện đại, như phòng mổ tích hợp, phòng mổ hybrid (kết hợp giữa phòng mổ hiện đại và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến), robot phẫu thuật… Bên cạnh đó, các bệnh viện còn tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, nhiều lĩnh vực ngang tầm với các bệnh viện trung ương và trong khu vực, như: Tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ, sản phụ khoa... 

Từ cuối năm 2019 đến nay, nhờ triển khai thành công kỹ thuật sinh học phân tử và laser quang đông trong điều trị hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai cho 40 sản phụ, giúp 20 trẻ chào đời khỏe mạnh. Trong khi trước đây, nếu không có kỹ thuật này, nhiều thai phụ phải chấp nhận thai nhi tử vong hoặc được chào đời thì cũng mang dị tật. Đây cũng là bệnh viện công đầu tiên và duy nhất hiện nay đang triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp bào thai. Việc ứng dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử ngành sản khoa, đưa sản khoa Việt Nam tiến kịp và hội nhập với các quốc gia phát triển khác trên thế giới. 

Cùng với đó, giai đoạn 2016-2020, các bệnh viện đã tích cực áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện. Hiện, một số bệnh viện đã triển khai hình thức đăng ký khám bệnh qua website, điện thoại, đặt lịch hẹn khám, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Theo khảo sát của Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trước đây với một bệnh nhân kèm theo 2-3 xét nghiệm cận lâm sàng phải mất từ 2,5 đến 3,5 giờ mới khám xong; nay nếu qua hệ thống gọi tự động (Autocall), thời gian khám của bệnh nhân giảm còn 1,5 giờ...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá, thời gian qua, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình từ khâu đón tiếp, khám bệnh, xét nghiệm, thanh toán… rút ngắn thời gian chờ khám và làm các thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh. Cùng với đó, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục triển khai sâu rộng đề án “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại 41/42 bệnh viện công lập; đồng thời, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, chú trọng cải tạo và nâng cấp nhà vệ sinh bệnh viện.

Phát huy vai trò “người gác cổng”

Với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đầu tư nâng cấp hệ thống trạm y tế. Đặc biệt, từ tháng 7-2018, ngành Y tế Hà Nội đã tích cực triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Mô hình này bước đầu phát huy vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế cơ sở khi đem lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tính đến hết năm 2019, thành phố Hà Nội đã nhân rộng và triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 271/584 trạm y tế xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 46,5%. Tại các trạm y tế này, UBND các quận, huyện, thị xã đã đầu tư 357 tỷ đồng xây mới 22 trạm y tế và cải tạo, sửa chữa 104 trạm y tế; 100% trạm được bố trí đủ bác sĩ đa khoa và y sĩ đông y, có sự tăng cường hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, có 4 bệnh viện trung ương: Bệnh viện E, Châm cứu trung ương, Lão khoa trung ương, Y học cổ truyền trung ương và 15 bệnh viện tuyến thành phố, 2 bệnh viện tuyến huyện phân công 68 bác sĩ hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các trạm y tế từ 1 đến 2 buổi/tuần.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, chất lượng dịch vụ y tế, năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch và các hoạt động của chương trình y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình ngày một nâng cao và thu hút sự quan tâm, sử dụng dịch vụ của người dân Thủ đô. Trong năm 2019, số lượt đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế đạt 1.358.442 lượt (tăng 31,23% so với trước khi thí điểm).

Cùng với sự gia tăng về số lượng và chất lượng khám, chữa bệnh, công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân cũng được thực hiện hiệu quả, bình quân đạt 82%, một số trạm y tế đạt 95%. Trước đây, chỉ khi có bệnh, bệnh nặng, người dân mới đi khám và chủ yếu đến bệnh viện, thì nay người dân đã chủ động đi khám sàng lọc và tư vấn trước khi mắc bệnh và ngày một tin tưởng hơn chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã, phường.

Với sự đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất và chuyên môn, nghiệp vụ, ngành Y tế Thủ đô đã ngày càng làm tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm chất lượng khám, chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.