(HNM) - Trong giai đoạn 2019-2022, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới và là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam có giá trị và tầm ảnh hưởng mạnh hơn trên thương trường quốc tế, vẫn còn nhiều việc phải làm. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
- Ông có thể cho biết tiêu chí đánh giá thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế như thế nào?
- Điểm chung khi đánh giá về thương hiệu quốc gia của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới là lấy yếu tố giá trị thương hiệu sản phẩm làm căn cứ, tuy nhiên mỗi tổ chức lại có cách tiếp cận khác nhau. Như Brand Finance, hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập (trụ sở tại London, Vương quốc Anh) chấm điểm theo 4 lĩnh vực chính, gồm: Thương hiệu của hàng hóa và dịch vụ quốc gia; đầu tư (thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài); du lịch và nhân tài. Trong khi Công ty Future Brand sử dụng hai hệ tham chiếu là mức độ định vị hình ảnh (gồm chất lượng cuộc sống, hệ thống giá trị và tiềm năng kinh tế); và mức độ trải nghiệm (gồm các giá trị về văn hóa truyền thống; du lịch và sản phẩm quốc gia).
- Việt Nam vừa được Brand Finance đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Kết quả tích cực này có được từ những yếu tố nào, thưa ông?
- Theo báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021, tăng 1 bậc lên vị trí thứ 32 trong tốp 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…
Kết quả đó trước hết là nhờ các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp… Đồng thời, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã có đóng góp hiệu quả với nhiều hoạt động được triển khai thời gian qua.
- Ông có thể nói rõ hơn về đóng góp của Chương trình thương hiệu quốc gia?
- Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao.
Chương trình đã giúp địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm và dịch vụ mạnh sẽ góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia và ngược lại.
Báo cáo của Brand Finance cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện 3 hoạt động chính, đó là nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của chương trình; quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của chương trình, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
- Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam có những định hướng nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động. Đó là xét chọn lần thứ 8 các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022 công khai, minh bạch. Đặc biệt, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, nhất là với cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình sẽ tập trung nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là việc đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đặc biệt ở thị trường ngoài nước.
Ngoài ra, sẽ phát động, kêu gọi sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, cùng chung tay phát triển Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị cao.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.