Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng suất lao động thấp, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Hà Phong| 08/04/2016 18:43

(HNMO) -Trao đổi với phóng viên Hànộimới bên lề Quốc hội ngày 8- 4, TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, mỗi năm vẫn có trên 200.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp và thiếu việc làm.


Đây là bài toán cần xem xét để giải quyết mối quan hệ giữa cung đào tạo và cầu sử dụng theo thị trường lao động.

- Hiện nay năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, trong- khi tiền lương thực tế tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Đây là nghịch lý. Tôi chỉ tính riêng tiền lương khu vực làm công ăn lương đã thấy tăng bình quân 12,2%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Một điều cần lưu ý nữa, chất lượng nguồn nhân lực có tăng nhưng không đáng kể, đến nay số lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp chứng chỉ mới đạt hơn 20%. Trong khi kỹ năng ngoại ngữ lại hạn chế là một trở ngại khi Việt Nam gia nhập cộng đồng các nước ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta là rất thấp. Tăng trưởng kinh tế chậm và chưa bền vững do chủ yếu chúng ta vẫn dựa vào vốn và lao động, chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm chiếm 18,3%, cao hơn các nước trong khu vực.

-Có thể hiểu, năng suất lao động thấp cản trở tiến trình hội nhập toàn cầu, là cảnh báo của ông trong giai đoạn hiện nay?

- Đúng. Năng suất lao động chắc chắn Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là so với Singapore. Ví dụ cụ thể, Singapore có 5 triệu dân nhưng họ làm ra 100 tỉ USD/năm, tức là mỗi người làm ra 20 triệu USD/năm. Trong khi đó, Việt Nam 90 triệu dân cũng chỉ làm ra gần 200 tỉ USD như vậy rõ ràng năng suất lao động Việt Nam thấp.

Có nhiều nguyên nhân tác động tới năng suất lao động của Việt Nam, đầu tiên là khoa học, kỹ thuật. Trong khi các nước tiên tiến họ luôn hướng tới nền sản xuất hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ khoa học trong sản xuất nhưng Việt Nam lại chú trọng vào sản xuất gia công, xuất khẩu nguyên liệu thô, kỹ thuật công nghệ lạc hậu, phần giá trị gia tăng dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Lý do nữa là chất lượng lao động Việt Nam không cao, chủ yếu lao động thủ công. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề thu hút đầu tư.

Rõ ràng, chúng ta không thể có một nền kinh tế hiện đại, năng suất lao động cao, khi tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề thấp, mỗi năm vẫn có trên 200.000 người tốt nghiệp cao đẳn, đại học trở lên thất nghiệp và thiếu việc làm.

Chưa kể, quá trình hội nhập quốc tế với các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu, đánh giá sự tương thích về cam kết lao động của hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung, chuẩn bị bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế, thiết chế để tổ chức và triển khai thực hiện. Ngoài ra TPP còn đặt ra thách thức về nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt Việt Nam phải tham gia ký kết 2 Công ước số 87, 98 về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội và công ước về tổ chức và thương lượng tập thể, sức ép của cơ chế giám sát thực hiện các công ước của tổ chức lao động quốc tế và điều kiện thực hiện các thiết chế theo hiệp định.

-Cụ thể hơn, những vấn đề gì chúng ta cần đặc biệt quan tâm trong quá trình hội nhập kinh tế, thưa ông?


- Chính phủ tập trung hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư công, ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập KTQT; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực của hệ thống chính sách, pháp luật; tiếp tục phát triển đồng bộ các thị trường; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng; tăng năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; có các chính sách phù hợp bảo đảm an sinh xã hội trước những tác động không thuận của hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngòi ra, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện chiến lược phát triển nguồn nhân lực để có giải pháp căn bản nhằm phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó có sự dịch chuyển tự do lao động trong khu vực ASEAN và nhiều khu vực kinh tế khác trên thế giới.

Những thách thức trong quá trình hội nhập còn đặt ra yêu cầu Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân, coi nó như nền tảng của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năng suất lao động thấp, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.