Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nâng lương cho VĐV là việc chính đáng”

Mai Hoa| 23/02/2013 07:23

(HNM) - Các vận động viên (VĐV) được gọi vào đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đều là những tài năng thực sự, khi lên tuyển, họ phải tập huấn xa nhà quanh năm, mất thêm nhiều khoản sinh hoạt phí như điện thoại, chi phí đi lại, không có điều kiện làm thêm… Trong khi đó, khoản tiền lương chừng 3,6 triệu đồng/tháng rõ ràng không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung, nhất là khi đa phần gia đình các VĐV còn gặp khó khăn.


Mức lương quá thấp khiến VĐV không thực sự yên tâm tập luyện. Ảnh: Bảo Lâm


Tại buổi làm việc đầu năm với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và lãnh đạo Tổng cục Thể dục, Thể thao (TDTT), Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (HLTTQG) Nguyễn Mạnh Hùng đã kiến nghị nâng tiền lương cho các VĐV, đặc biệt là nên tăng định mức tiền lương đối với các VĐV xuất sắc, thuộc diện chuẩn bị cho ASIAD và Olympic. Ông Hùng nhấn mạnh: "Các VĐV cấp độ đội tuyển có thể hưởng mức ăn như nhau, nhưng về tiền công (thực chất là tiền lương - PV), rất cần có chế độ đặc biệt đối với những hạt nhân tiêu biểu. Mức tiền công hiện tại là 150.000 đồng/người/ngày, trung bình 1 tháng 26 ngày công, nghĩa là VĐV chỉ được hưởng 3,6 triệu đồng/tháng. Với thực tế mặt bằng giá cả hiện nay, rõ ràng mức thu nhập này không thể thu hút, hấp dẫn nhân tài theo nghiệp thể thao đỉnh cao".

Đồng tình với Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thừa nhận đề xuất của Trung tâm là chính đáng. Theo ông Thắng, tiền công của VĐV cần được nâng lên, vì mức tiền công chừng 3,6 triệu đồng/tháng hiện thời đối với VĐV cấp độ ĐTQG chỉ ngang với mức lương của lao động phổ thông. Ông Thắng đánh giá: "Mức lương quá thấp khiến VĐV không thực sự yên tâm tập luyện khi lên tuyển. Thực tế cho thấy các VĐV phía Nam khi được gọi vào ĐTQG rất ngại ra Bắc tập huấn vì phải gánh thêm rất nhiều khoản sinh hoạt phí khi phải sống xa nhà quanh năm suốt tháng". Chính vì vậy, Tổng Cục trưởng Vương Bích Thắng đề nghị lãnh đạo Bộ VH,TT&DL có ý kiến với Chính phủ về việc nâng chế độ tiền công cho VĐV.

Đáng chú ý, năm 2013 được xác định là năm bản lề chuẩn bị lực lượng VĐV cho ASIAD 2014, Olympic 2016 và đặc biệt là ASIAD 18 sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2019. Tổng cục TDTT đã xây dựng kế hoạch, giao các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia phối hợp với các sở VH,TT&DL các địa phương rà soát lực lượng VĐV, đặc biệt là các VĐV trẻ, chuẩn bị sẵn sàng tham gia các đấu trường thể thao quốc tế lớn. Tìm được nhân tài đã khó, giữ được các VĐV tài năng, có triển vọng lại càng khó hơn. Trong bối cảnh ấy, việc quan tâm tạo điều kiện, chế độ đãi ngộ đối với VĐV cấp độ ĐTQG càng trở nên cấp thiết. Chính vì vậy, cùng với kiến nghị về việc nâng chế độ tiền công cho VĐV, lãnh đạo ngành TDTT cũng đề xuất tăng chế độ dinh dưỡng, định mức cấp phát trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu cho VĐV các đội tuyển. Hiện tại, VĐV đội tuyển đang hưởng chế độ ăn 200.000 đồng/người/ngày (bao gồm 3 bữa ăn và tiền uống nước), không bảo đảm dinh dưỡng trong bối cảnh giá cả thị trường tăng cao. Trang bị dụng cụ cho các đội cũng còn nhiều lạc hậu. Đơn cử, ngay như Trung tâm HLTTQG Hà Nội - được coi là địa điểm tập huấn chính của các ĐTQG nhưng điều kiện hiện tại hết sức khó khăn, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Trang thiết bị thi đấu đa phần đều từ SEA Games 22 - 2003, đến nay hầu hết đều thiếu và lạc hậu.

Thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều VĐV giỏi, HLV tài năng. Khi các chuyên gia của Liên đoàn Thể dục Hàn Quốc đến xem cơ sở tập luyện của các VĐV Việt Nam, họ đã vô cùng ngạc nhiên vì với các trang bị vô cùng thiếu thốn nhưng Việt Nam lại có các tài năng giành được HCV thế giới. Về HLV, có thể đơn cử việc HLV Nguyễn Thị Nhung (bắn súng) được phía Ả rập mời làm chuyên gia với mức lương 10.000 USD/tháng, nhưng chị đã từ chối. Tất cả đều rất tâm huyết với nghiệp, quyết nâng cao uy tín và vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh ấy, việc điều chỉnh, nâng tiền công, chế độ đãi ngộ cho các tài năng thể thao là cần thiết để có được sự phát triển bền vững trong xây dựng lực lượng, thu hút và giữ nhân tài cho thể thao Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nâng lương cho VĐV là việc chính đáng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.