Sau 65 năm thất lạc, vở kịch thơ
Nhà thơ Hoàng Cầm
Số phận của con người trước dòng xoáy lịch sử
Nàng Kiều Loan là con một thầy đồ hay chữ. Nàng đẹp nổi tiếng một vùng. Nhưng "hồng nhan bạc mệnh", những biến cố của lịch sử đã chia rẽ hai vợ chồng Kiều Loan. Nàng như hoá dại khi phải chờ đợi người chồng (Vũ Phương Quân) biền biệt chốn kinh thành để tìm kiếm danh vọng suốt 10 năm. Kiều Loan đau đớn, xót xa tột cùng. Nàng thầm trách mình quá nặng lòng với người chồng bội bạc, mù quáng phó tá Nguyễn triều, cầu vinh trên nỗi thống khổ nhân dân. Nàng nghĩa khí một lòng một dạ khuyên ngăn. Nhưng chồng nàng đã bị loá mắt bởi công danh mà quên đi tình chồng vợ, vứt bỏ nghĩa thầy trò. Bi kịch của đời người bị đẩy lên tột cùng khi Kiều Loan dùng chính thanh bảo đao kỷ niệm của hai người để đâm vào trái tim Vũ Phương Quân khi biết sự mê muội của chồng không cách gì thay đổi. Và người con gái hồng nhan bạc phận đó cũng bị chính vương triều mà người chồng phó tá giết chết.
Bối cảnh của câu chuyện diễn ra dưới thời Nguyễn ánh khi vừa lật đổ vương triều Tây Sơn. Giới nghệ thuật đánh giá đây là vở diễn khó. Khó bởi tính truyền cảm của vở kịch vì mọi lời thoại của nhân vật đều bằng thơ, khó cũng bởi tính xã hội của vở kịch được tái hiện trên sân khấu hiện đại với lối tư duy thực dụng của người xem hiện nay. Vậy mà vở kịch thơ dài hàng ngàn câu ấy lại có sức hút kỳ lạ và tạo sự rung cảm đặc biệt đối với người xem như một mê hoặc khó cưỡng nổi. Dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ đã làm người xem ngạc nhiên bởi diễn xuất xuất thần. Quách Thu Phương hoá thân vào nàng Kiều Loan với những nỗi đau rất thật. Đức Khuê lạnh lùng, tàn ác trong vai tên quan phản diện... Chính sự hoá thân tài tình đó mà những câu thơ văn hoa của thi sĩ Hoàng Cầm viết khi ở tuổi 18 lại gây xúc động sâu sắc cho khán giả đến vậy.
65 năm vẫn còn duyên!
Anh Tú chỉ cười khi được hỏi tại sao lại chọn vở kịch thơ nổi tiếng đã bị thất lạc từ lâu của thi sĩ Hoàng Cầm "Nàng Kiều Loan" làm bài tập tốt nghiệp: đơn giản, đó là sự tình cờ đọc được tác phẩm này. Và lập tức anh bị mê hoặc. Còn đối với thi sĩ Hoàng Cầm, dù sức khoẻ rất kém, phải ngồi xe lăn nhưng ông vẫn bằng mọi giá đến Nhà hát Tuổi Trẻ để xem đứa con tinh thần mà ông ấp ủ từ thời trai trẻ và đến nay vẫn còn là nỗi trăn trở của ông lên sân khấu. Năm 1940, vở kịch đã được dựng tại rạp Chuông Vàng và vợ ông là người diễn Kiều Loan. Nhưng chỉ một lần diễn duy nhất đó vở kịch bị chìm vào quên lãng do nhiều lý do về thời cuộc. Và người ta chỉ còn nhắc đến "Nàng Kiều Loan" như một kỷ niệm thời xa vãng. Bất ngờ, sự trở lại của "Nàng Kiều Loan" trên sân khấu hiện đại đã gây nên một hiện tượng trong làng nghệ thuật.
Vở kịch hạ màn nhưng người xem như vẫn chưa thoát ra khỏi không khí của vở bởi cái kết đầy ám ảnh về thân phận người phụ nữ bất hạnh. Đạo diễn sân khấu Doãn Hoàng Giang đã nhận xét sau khi xem: "Sẽ hoàn hảo hơn khi giá như vở kịch khắc phục được những "vết xước" không đáng có. Anh Tú không cần thiết phải sử dụng hình tượng những người đeo mặt nạ ở phần mở đầu và kết thúc vì như vậy làm vở diễn có phần nặng nề và trừu tượng. Giá như phần thiết kế sân khấu giản dị hơn và trang phục không có sự chắp vá như vậy. Và giá như phần cuối đạo diễn nên để cho Kiều Loan có một quá trình đấu tranh, quyết liệt khuyên răn chồng thì nhát dao của nàng sẽ có tính thuyết phục hơn".
"Nàng Kiều Loan" để lại nhiều ấn tượng cho những ai đã được xem. Hiện "Nàng Kiều Loan" vẫn chỉ là bài tập tốt nghiệp, Anh Tú còn có tham vọng đưa vở kịch này đến với đông đảo công chúng. Hy vọng vào một ngày không xa, khán giả sẽ được thưởng thức tuyệt tác này của thi sĩ Hoàng Cầm và cũng là sản phẩm tâm huyết của đạo diễn Anh Tú.
HNMTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.