Giao thông

Nâng giá trần bay nội địa: Bảo đảm hài hòa lợi ích

Tuấn Lương 01/03/2024 - 15:59

Việc nâng giá trần các đường bay nội địa kể từ ngày 1-3 là điều kiện để các hãng hàng không điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa, ở cả phân khúc cao và thấp.

ca-nuoc-co-21-duong-bay-trong-giai-doan-thi-diem.jpg
Việc nâng giá trần giúp các hãng hàng không có thể cân đối được các khoản chi phí.

Giá trần các đường bay nội địa tăng 5%

Ngày 1-3, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa có hiệu lực. Theo đó, sẽ điều chỉnh giá trần trên các đường bay nội địa tăng 5% so với mức trước đây.

Theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).

Theo thông tư mới này, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. Mức giá này bao gồm giá phục vụ hành khách và giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, việc tăng trần giá vé máy bay nội địa lần này cũng là lần điều chỉnh đầu tiên sau gần 10 năm (gần nhất là năm 2015). Hiện tại, nhiều chi phí đầu vào đã có sự thay đổi, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ... Mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch Covid-19. Các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn. Việc áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng.

Không ít doanh nghiệp lữ hành nhận định, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tác động tức thì tới ngành du lịch. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TSTtourist, giá tour nội địa buộc phải điều chỉnh tương ứng ngay sau khi tăng trần giá vé máy bay. Dù vậy, mức điều chỉnh giá trần lần này vẫn chấp nhận được.

Nâng giá đi đôi với bảo đảm chất lượng dịch vụ

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng, điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp chi phí và cũng là cơ hội để điều chỉnh dải giá vé bay của mình trong mạng đường bay nội địa.

hanh-khach-su-dung-vneid-tai-cua-ra-tau-bay.jpg
Theo các chuyên gia, việc nâng giá trần là phù hợp song phải đi đôi với bảo đảm an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay. Ảnh minh họa.

Khi nới giá vé, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục có cơ hội đầu tư ở các phân khúc giá chi trả cao đồng thời cơ hội kéo được mức giá thấp hơn để phục vụ nhu cầu hành khách chi trả thấp hơn hoặc các giai đoạn thấp điểm của thị trường. Hãng sẽ có thêm nhiều chương trình khuyến mại hơn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các hãng bay cũng như khách hàng và chính sách chung của Nhà nước.

“Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới đang kiểm soát mức giá trần và sàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chắn chắn trong tương lai sẽ hướng tới thị trường cởi mở hơn khi tăng sự cạnh tranh và do thị trường điều tiết” – Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ.

Đại diện Vietravel Airlines cho biết, số liệu doanh thu của hãng cho thấy, hoạt động khai thác trên các chặng bay nội địa với khung giá hiện tại chưa bảo đảm được chi phí vận hành cũng như hiệu suất lợi nhuận của hãng trong dài hạn. Chỉ số chi phí/hành khách/km được ghi nhận đã vượt quá 150% với chỉ số doanh thu bay trên toàn bộ chặng bay nội địa. Vì vậy, việc tăng giá trần bảo đảm quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay. Về phía các hãng hàng không, có thể cân đối được các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm được hoạt động khai thác trong dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc nâng trần giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn. Giá trần là ngưỡng để các doanh nghiệp phải cạnh tranh để hạ giá thành. Tuy nhiên, việc nâng giá trần phải đi đôi với an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng giá trần bay nội địa: Bảo đảm hài hòa lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.