Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng gánh nợ nần của doanh nghiệp bất động sản

Đặng Loan| 08/01/2014 06:50

(HNM) - Lãi suất vay vẫn ở mức cao, tiền thuế sử dụng đất theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP vẫn là những gánh nặng tài chính mà doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang vất vả gánh vác.


Lãi suất vẫn "trên trời"

Trong khi các ngân hàng liên tục công bố hạ lãi suất cho vay thì nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết vẫn đang gồng mình trả những khoản nợ cũ với lãi suất cao ngất ngưởng. Có khoản vay cũ 50 tỷ đồng ở Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty Lê Thành) cho biết, lãi suất ông trả vài năm trước là 19%/năm và chỉ trong năm vừa qua mới hạ xuống 15%/năm và hai tháng qua xuống còn 14,5%. Điều ông Nghĩa phàn nàn là trong suốt quá trình vay, công ty ông chưa hề trả lãi chậm, vậy mà khi lãi suất hạ, ông đã nhiều lần kiến nghị được giảm theo nhưng ngân hàng trả lời với chính sách dự phòng bắt buộc như hiện nay thì không thể hạ lãi suất cho vay BĐS.
Theo ông Nghĩa, dự án nhà ở thương mại dưới 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhà cho thuê 49 năm nếu không được vay trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì mức lãi suất ở khoảng 8-9%/năm là hợp lý. Còn ông Nguyễn Viết Tạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NVT cho rằng, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, không thể đòi hỏi hạ thấp lãi suất, nhưng mức lãi suất hiện tại nên giảm về còn khoảng 10%-11%/năm là hợp lý.

Những bất hợp lý trong chính sách quản lý bất động sản cần sớm được điều chỉnh.


Tình trạng các doanh nghiệp BĐS phải chịu lãi suất cao ở những khoản vay cũ vẫn còn rất nhiều dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ… Theo TS Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký HoReA, còn rất nhiều doanh nghiệp BĐS "mắc kẹt" hàng tồn kho, chưa xây dựng được vẫn phải trả lãi ngân hàng cao nên rất khó khăn.

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lãi suất thời gian qua đã giảm nhiều, tuy nhiên, tín dụng cho BĐS sẽ được xem xét kỹ từng phân khúc, từng dự án để có mức phân bổ tín dụng hợp lý về vốn và lãi suất. Sắp tới, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục tiến triển tốt, lạm phát thấp hơn thì lãi suất có thể tiếp tục điều chỉnh hạ.

"Chết tức tưởi" vì tiền sử dụng đất

Bên cạnh lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang "chết tức tưởi" vì tiền bán sản phẩm không đủ nộp tiền sử dụng đất. Ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty BĐS Bình Dân cho biết, công ty ông có 14.000m2 đất ở. Theo tính toán, nếu xây dựng và bán hết dự án này thì chỉ được khoảng 60 tỷ đồng, nhưng số tiền sử dụng đất ước tính phải nộp là hơn 57 tỷ đồng. Chính vì vậy nên 3-4 năm nay, dự án phải "nằm im chờ chết". Hiện ông đang làm đơn gửi Sở Xây dựng xin chuyển dự án này sang nhà ở xã hội để "né" tiền sử dụng đất.

Giám đốc một công ty BĐS đề nghị không nêu tên cũng cho biết, ông đang có một dự án diện tích 2ha đất nông nghiệp mua với giá 100 tỷ đồng, phân lô làm nhà liên kế. Khi lên Sở Tài chính thành phố làm thủ tục khấu trừ thì chỉ được khấu trừ theo khung giá đất nhà nước với khoảng 10 tỷ đồng. "Vậy thì tôi mất 90 tỷ đồng. Điều vô lý theo Nghị định 69 là tiền khấu trừ cho doanh nghiệp thì theo khung giá đất nhà nước, còn tiền thu thuế sử dụng đất lại tính theo giá thị trường. Bây giờ tôi bán hết mảnh đất này đi cũng chưa đủ tiền để đóng tiền sử dụng đất", doanh nghiệp này bức xúc. Cũng theo doanh nghiệp này, ngay cả Sở Tài chính khi làm việc cũng thừa nhận là vô lý nhưng chính sách quy định nên phải chịu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoReA cho rằng, chính sách tính tiền sử dụng đất của Nghị định 69 đang cực kỳ bất hợp lý là nguyên nhân đẩy giá thành BĐS lên cao, làm cho thị trường đóng băng và doanh nghiệp khốn khó. Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất thu tiền sử dụng đất bằng 10%-15% bảng giá đất của tỉnh, thành phố ban hành.

Ghi nhận các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, ông Vũ Viết Ngoạn cũng đồng tình với những kiến nghị của HoReA và cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thu tiền sử dụng đất theo đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường BĐS trong năm 2014.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nặng gánh nợ nần của doanh nghiệp bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.