(HNM) - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng về những thời cơ, thách thức trong thập niên mới.
Lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. |
- Các ngành thuộc khối xã hội và nhân văn hiện đang bị cạnh tranh bởi nhiều ngành nghề được coi là “hot” khác. Nhà trường đã nhận thức và giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa GS?
- KHXH&NV là khoa học về con người và đời sống xã hội, thông qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng xã hội để làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý đề ra các chiến lược và kế hoạch phát triển lâu dài. Vai trò lớn vậy nhưng lợi ích của KHXH&NV không dễ nhận thấy ngay. Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật thời gian qua khiến các ngành nghề kinh tế, công nghệ, thương mại… có sức hút lớn đối với xã hội. Những người làm nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV phải xác định rõ thực tế này để không nản lòng với con đường mình đã chọn. Là cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về KHXH&NV, nhà trường phải năng động, sáng tạo trên nhiều mặt để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội hiện nay.
Từ những ngành học cơ bản như lịch sử, văn học, triết học… nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng thêm các ngành mới như: Quốc tế học, du lịch học, nhân học, công tác xã hội, Đông phương học, Việt Nam học, sở hữu trí tuệ, quản trị văn phòng… Do đáp ứng đúng nhu cầu xã hội nên những ngành học mới đã nhận được sự quan tâm của xã hội, trong đó có cả người học và các nhà tuyển dụng lao động. Đặc biệt, nhiều ngành học đạt đẳng cấp quốc tế bước đầu được triển khai như ngôn ngữ học, lịch sử… sẽ đem đến cơ hội học tập chất lượng cao cho sinh viên. Các chương trình đào tạo được cập nhật theo hướng hiện đại hóa về nội dung, tăng thời gian thực hành, chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm để sinh viên thích ứng với công việc ngay sau khi ra trường. Trường cũng đã mở rộng liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ đào tạo với nhiều trường nước ngoài để tăng cơ hội học tập cho sinh viên.
- Nhà trường đã triển khai đào tạo tín chỉ (ĐTTC) từ năm học 2007 – 2008 nhưng mới chỉ là những bước đầu tiên, còn rất nhiều bỡ ngỡ trong nhận thức và hành động. GS cho biết những giải pháp nhà trường sẽ thực hiện trong thời gian tới để ĐTTC thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả?
- Thực hiện tốt việc đào tạo theo học chế tín chỉ ở tất cả các bậc đào tạo là giải pháp tổng thể và lâu dài để đổi mới phương thức quản lý đại học, quản lý công tác đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
Nhà trường đã chuyển đổi phương thức đào tạo niên chế sang ĐTTC, đem đến những thay đổi tích cực trong giảng dạy và học tập. Trường đã xây dựng, điều chỉnh các văn bản quy định, hướng dẫn, quy trình quản lý phù hợp với ĐTTC, biên soạn lại các đề cương môn học, giáo trình, sách tham khảo, bài giảng, tài liệu hướng dẫn môn học. Khóa QH-2007-X với 1.345 sinh viên là khóa đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo này.
- Trong lĩnh vực KHXH&NV, đề tài mang tính liên ngành và những nghiên cứu có tính dịch vụ, mang lại nguồn thu còn chưa nhiều, trường có phương hướng gì để khắc phục thực trạng trên?
- Nghiên cứu khoa học chính là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín của trường. Các học giả và tổ chức nước ngoài coi nhà trường là địa chỉ hợp tác hàng đầu về KHXH&NV ở Việt Nam. Nhiều dự án quốc tế được nhà trường triển khai thành công, thậm chí đóng vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu lý luận ở nhiều ngành khoa học còn rất mới tại Việt Nam như công tác xã hội, nhân học, phân tích chính sách, sở hữu trí tuệ… Các đề tài cấp nhà nước mà nhà trường đã và đang đảm nhận đều là các đề tài lớn, mang tính liên ngành rất rõ, góp phần giải quyết những vấn đề lớn của đất nước.
Nghiên cứu liên ngành đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn rộng, nhận thức đúng về tầm quan trọng của nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV, từ đó chú trọng đầu tư vào những dự án nghiên cứu lớn có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Còn về những nghiên cứu dịch vụ thì KHXH&NV “thiệt thòi” so với nhiều lĩnh vực khác. Nhưng với đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín và kinh nghiệm, chúng tôi vẫn là một trong những địa chỉ lựa chọn hàng đầu khi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước muốn đặt hàng một sản phẩm nghiên cứu khoa học nào đó.
Thời gian qua, trường đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu lịch sử và văn hóa địa phương. Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đội ngũ chuyên gia lịch sử, văn học, triết học của nhà trường… đã và đang tham gia xây dựng Tủ sách 1000 năm Thăng Long cùng nhiều dự án khác của thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ, tăng cường quảng bá, giới thiệu năng lực nghiên cứu của mình ra ngoài xã hội.
- Xin cảm ơn GS!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.