Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Nguyễn Lê| 23/05/2022 07:38

(HNM) - Công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, công tác này cần nâng chất lượng hơn nữa, nhằm khẳng định quyền làm chủ của nhân dân.

Công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Đã giám sát, giải quyết hơn 1.000 vụ việc

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, từ năm 2013 đến 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực người dân quan tâm. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đã được tiếp thu, phản hồi.

Chương trình giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua 4 kênh thông tin, gồm: Ý kiến của cử tri tại các kỳ tiếp xúc; phản ánh của người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với tổ chức và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; hoạt động kiểm tra, giám sát theo chức năng của các tổ chức trong hệ thống chính trị; thông tin của báo chí. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, giải quyết hơn 1.000 vụ việc phản ánh liên quan đến tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Đối với công tác phản biện xã hội, từ năm 2013 đến 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 456 hội nghị phản biện xã hội, đã gửi 590 văn bản phản biện đối với các đề án, kế hoạch có tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cộng đồng dân cư, nhất là các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, công tác giám sát, phản biện xã hội tại thành phố vẫn chưa phát huy được sự tham gia tích cực của nhân dân; quá trình tổ chức thực hiện còn lúng túng trong xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội. Vì vậy, thời gian tới, công tác giám sát, phản biện xã hội cần sâu sát hơn; lựa chọn các chương trình giám sát, phản biện xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Xây dựng cơ chế hiệu quả

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm (hiện là cử tri thành phố Thủ Đức) đề xuất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần định kỳ lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, lãnh đạo chính quyền cùng cấp (Ủy viên UBND cùng cấp); đồng thời, khi một chính sách được dự thảo, phải có ý kiến phản biện của các cơ quan có chức năng giám sát, phản biện mới được ban hành.

Còn Trưởng ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội tại thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên sẽ giám sát cấp ủy cấp dưới và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp; giai đoạn 2026-2030, giám sát cấp ủy cùng cấp đối với những vấn đề mà cấp ủy đưa ra để lãnh đạo. Đây là cơ chế hiệu quả để thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội.

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, giám sát là yêu cầu tất yếu khách quan dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Giám sát, phản biện tốt, Đảng sẽ có chỗ dựa vững chắc và Đảng được xây dựng tốt hơn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được tăng cường; quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân được bảo vệ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, các ý kiến góp ý về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của cử tri, người dân thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, từ đó sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng giám sát, phản biện xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.