(HNM) - HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua một số nghị quyết quan trọng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là những nghị quyết cụ thể hóa các chương trình công tác của Thành ủy, nhằm sớm phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Bám sát thực tiễn
Các nghị quyết vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua gồm: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố; về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội. Các nghị quyết này được ban hành trúng thời điểm, bám sát thực tiễn.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, thực tế tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận và một số huyện đang gây sức ép lớn đối với hệ thống trường, lớp. Dự kiến đến hết năm 2025, tổng số trường công lập của thành phố phải đạt 2.400 trường, trong khi đến hết năm 2021 mới có 2.237 trường.
Lĩnh vực y tế cũng tương tự. Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chưa bảo đảm; nhiều trạm y tế được xây dựng đã lâu, xuống cấp, cần được sửa chữa nâng cấp hoặc xây mới để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và y tế dự phòng… Đối với lĩnh vực di tích, thành phố có hơn 2.000 di tích xuống cấp cần đầu tư, tôn tạo.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho rằng, HĐND thành phố đã nhiều lần kiến nghị về các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, nhưng việc khắc phục rất chậm, gây lãng phí tài nguyên đất. Hiện thành phố mới thu hồi 10 dự án với tổng diện tích 177,7ha; còn 74 dự án phải kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý; 29 dự án cần kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đặc biệt, có đến 34 dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất với số tiền 3.330 tỷ đồng...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc HĐND thành phố thông qua kế hoạch đầu tư công với 22 dự án là đáp ứng đúng đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Bởi thực tế trên địa bàn Thủ đô còn nhiều công trình cần đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, như: Xây dựng, mở rộng Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì), cống hóa mương thoát nước sau Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ), kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng (huyện Thanh Trì), xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối (quận Long Biên); xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng (quận Long Biên); kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K84+600 đến K86+389 đê hữu Hồng thuộc xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc đoạn từ K8+800 đến K13+660 (huyện Đan Phượng); cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới Vàng - Dương Xá (huyện Gia Lâm); cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Thiên Đức (huyện Gia Lâm); cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn quận Hà Đông; cải tạo, nâng cấp đê tả Cà Lồ đoạn từ K0+00 đến Km20+252 (huyện Sóc Sơn)…
... và triển khai cho hiệu quả
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, những nghị quyết trên là căn cứ, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Song để nghị quyết đi vào đời sống thiết thực, hiệu quả, chất lượng, trước mắt UBND thành phố cần sớm ban hành các kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ.
“Khối lượng dự án đầu tư theo các nghị quyết trên rất lớn, vì thế UBND thành phố cần tập trung rà soát, đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Trong đó, tăng cường cải cách hành chính, phân cấp mạnh cho các ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chú trọng quản lý sau đầu tư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để sớm hoàn thành công trình, dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát bảo đảm nguồn cân đối của ngân sách cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, phấn đấu không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản... Trong đó, chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã bảo đảm thủ tục và nguồn vốn đối ứng của cấp huyện.
“UBND thành phố cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp chuyên đề tháng 4-2022 về quá trình triển khai đầu tư các dự án lĩnh vực di tích sẽ thận trọng để bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn được các di tích gốc. Việc đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học và y tế cũng sẽ thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của các lĩnh vực này trong tình hình mới” - đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai lập kế hoạch chi tiết, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian.... đối với các chỉ tiêu cụ thể; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã cũng như các chủ đầu tư phân công, phân nhiệm và triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, dự án.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông thông tin, đối với các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai, thành phố đã và đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra, làm rõ, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ỳ, đồng thời công khai thông tin để người dân biết, giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.