(HNM) - Vụ cháy tại chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) mới đây đã gây thiệt hại nặng nề cho công trình tín ngưỡng tôn giáo này. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên "bà hỏa" biến di tích thành phế tích. Thực tế đó cho thấy, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, bài bản hơn trong công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích, giúp ngăn chặn tối đa nguy cơ mất mát những giá trị văn hóa - lịch sử quý báu mà cha ông để lại.
Xót xa di tích thành phế tích
Ngày 20-6, chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) bùng phát một đám cháy lớn. Mặc dù được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức dập lửa nhanh chóng, song hỏa hoạn vẫn thiêu rụi toàn bộ công trình 7 gian nhà gỗ theo lối truyền thống Bắc Bộ của nhà Tứ Ân cùng các hiện vật bên trong, gồm nội thất, kinh sách... Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, hiện trường vụ cháy ngay sau đó đã được các cơ quan chức năng tiến hành quây bạt, lập hàng rào bảo vệ, để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ cháy cũng như thống kê thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng cắt cử lực lượng bảo vệ hiện trường, bảo quản đồ thờ tự…; đồng thời vận động nhân dân trong thôn, các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ tiền, nguyên vật liệu khắc phục vụ hỏa hoạn.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên công trình di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội xảy ra hỏa hoạn. Trước đó, năm 2020, thành phố ghi nhận 3 vụ cháy lớn tại các di tích, gây thiệt hại nặng nề, trong đó có di tích được đầu tư tu bổ hàng chục tỷ đồng chưa lâu. Đó là các vụ cháy tại chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) khiến Tam bảo, tiền đường, thượng điện bị thiệt hại, nhiều cột, kèo, tượng Phật bị cháy rụi; đền Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cháy rụi toàn bộ hạng mục kiến trúc chính, một số tượng thờ và chùa Linh Quang (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) toàn bộ nhà Tam bảo, các pho tượng gỗ quý... cũng biến thành tro. Theo Trưởng thôn Đông Thượng (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) Tô Văn Cẩn, chùa Linh Quang mới được đầu tư tu bổ khoảng 5-7 năm. Việc khắc phục hậu quả từ hỏa hoạn rất tốn kém, cần sự chung tay, đóng góp lớn của cộng đồng.
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn cho biết, theo phân cấp, phần lớn di tích trên địa bàn Hà Nội do các quận, huyện quản lý, bảo vệ, trong đó có công tác phòng, chống cháy nổ. Hằng năm, ngành Văn hóa Thủ đô đều đôn đốc, nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy tại các di tích, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di sản từ hỏa hoạn. Tuy nhiên, công tác này chưa đồng đều; không ít nơi còn lơ là, chưa thực sự được quan tâm.
Nâng cao ý thức trong cộng đồng
Với đặc trưng kết cấu chủ yếu bằng gỗ, một số trang trí bằng vải, dễ bắt lửa, trong khi người dân có thói quen duy trì đèn, nến, hương đăng ngay cả khi không có người túc trực, cộng thêm hệ thống điện được lắp đặt đã lâu năm…, nên các di tích văn hóa, lịch sử là nơi tiềm ẩn nguy cơ lớn về hỏa hoạn và khi xảy ra sự cố, thiệt hại thường rất lớn.
Song, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những địa phương lơ là, vẫn có nhiều nơi thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ tại di tích, bằng nhiều biện pháp tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phòng cháy và đầu tư trang thiết bị chữa cháy, như các quận, huyện: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mỹ Đức… Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Bá Hiển cho biết, để bảo đảm không có tình trạng cháy nổ, chập điện xảy ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, hằng năm, Ban Quản lý đều tổ chức tập huấn, ký cam kết đối với các cơ sở lưu trú và các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực; đồng thời thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy, bố trí cán bộ ứng trực phòng cháy, chữa cháy tại nhiều điểm trong di tích…
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cho rằng, ngoài sự xuống cấp, hỏa hoạn cũng là nguyên nhân khiến di sản hư hại. Với gần 6 nghìn di tích trên địa bàn, vấn đề phòng cháy, chữa cháy trong các di tích tại Hà Nội cần được coi là trách nhiệm quan trọng và tiến hành một cách bài bản, đồng bộ bên cạnh công tác tu bổ. Trước mắt là trang bị tốt phương tiện phòng cháy tại chỗ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng nơi thờ tự. Về lâu dài, cần thiết lập quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy ở các di tích, tạo cơ sở cho các địa phương triển khai đồng bộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại...
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, ngành đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích; kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện, phòng cháy, chữa cháy trong di tích; tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho người bảo vệ, trông coi di tích và đặc biệt chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phòng, chống cháy nổ cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.