(HNM) - Xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một trong những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra.
1. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước chỉ đạo xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Cán bộ giữ cương vị lãnh đạo trước những vấn đề khó khăn vẫn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã được đề ra từ lâu, nhưng trong thực tiễn có hiện tượng thành tích thì của cá nhân, nhưng khuyết điểm thì thuộc về tập thể".
Hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền hiện nay chủ yếu do hai nguyên nhân. Thứ nhất là các quy chế, quy định về trách nhiệm người đứng đầu chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, cụ thể. Người đứng đầu cũng chưa được trao quyền hạn tương xứng với trách nhiệm mà họ được đòi hỏi mỗi khi xảy ra chuyện. Thứ hai là trình độ năng lực và đạo đức của người đứng đầu còn có hạn chế. TS Nguyễn Quốc Sửu (Học viện Hành chính quốc gia) cho biết, theo quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, bộ trưởng không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức các thứ trưởng; chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức cấp phó; trưởng phòng không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức phó phòng... Do vậy, rất khó đòi hỏi cấp trưởng phải chịu trách nhiệm khi cấp phó có tiêu cực, tham nhũng, hoặc sai phạm. Chưa kể, kế hoạch của một tổ chức, cơ quan, xí nghiệp là do cấp ủy thông qua, nhiều khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không đồng ý nhưng vẫn phải thực hiện.
2. Vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU "về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao". Từ quy định này, tỉnh tổ chức cho người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với cấp trên trực tiếp trên hai phương diện: Trách nhiệm bản thân (về tư tưởng chính trị; về phẩm chất đạo đức, lối sống; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ; về ý thức tổ chức kỷ luật) và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị với các tiêu chí cụ thể. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành bỏ phiếu kín để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu; tiến hành miễn nhiệm, điều chuyển hoặc phân công công tác khác đối với cán bộ có 1/3 số phiếu trở lên đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ… Việc chủ động xây dựng quy định của tỉnh Quảng Bình được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Hành chính quốc gia, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cần giải quyết bốn vấn đề: Trước hết cần xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ hai, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực thi công vụ, có biện pháp đo lường chính xác hiệu quả công tác. Thứ ba là bảo đảm các điều kiện để người đứng đầu thực thi tốt trách nhiệm, trao cho họ đủ quyền hạn và các điều kiện cần thiết. Thứ tư là hoàn thiện cơ chế, điều kiện kiểm soát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Thời gian qua, Trung ương đã chỉ đạo triển khai nhiều công việc, trong đó có việc rà soát, bổ sung, ban hành mới các văn bản. Nhưng đến nay, một số văn bản cần thiết chưa được hoàn thành như quy định thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; quy định xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… Đây là những văn bản rất quan trọng, là cơ sở để giải quyết những vướng mắc để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tổ chức xây dựng Đảng nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong năm 2016 và những năm tiếp theo là xây dựng quy chế phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp và các cơ quan, đơn vị. Đây cũng là mong muốn của cán bộ, đảng viên cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.