Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 17/08/2018 06:52

(HNM) - Để nâng cao năng lực phòng, chống úng ngập, hạn hán, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống công trình đầu mối thủy lợi, kênh mương nội đồng.

Nhân viên thủy nông giải tỏa vật cản ở Trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây). Ảnh: Hữu Tiệp


Với việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đến nay, trên địa bàn thành phố có 104 hồ chứa thủy lợi, 1.837 trạm bơm tưới tiêu, 35.428 tuyến kênh tổng chiều dài 20.111km… Theo thiết kế, hệ thống công trình thủy lợi của thành phố đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu cho khoảng 302.000ha đất sản xuất nông nghiệp hằng năm, hỗ trợ tiêu úng cho khu vực ngoại thành và nội thành trong điều kiện thời tiết bình thường, với lượng mưa dưới 300mm/3ngày...

Ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết: Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi do công ty quản lý cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu, tuy nhiên, khi xảy ra lượng mưa lớn hơn, hệ thống này khó hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân là hệ thống thủy lợi của đơn vị được xây dựng từ nhiều năm nay, công nghệ lạc hậu và có hệ số tiêu thấp so với yêu cầu tiêu thoát nước ngày càng cao… Đơn cử, Trạm bơm tiêu Nhân Lý được đầu tư xây dựng từ năm 1997, với 5 tổ máy, công suất 2.500m3/giờ; có nhiệm vụ tiêu úng cho 544ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh của 3 xã vùng trũng thuộc huyện Chương Mỹ: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên, khi mực nước sông Bùi dâng lên mức báo động II, trạm bơm không thể hoạt động do nước sông tràn vào hệ thống máy bơm… Bên cạnh đó, do ý thức của một số người dân hạn chế nên nhiều công trình thủy lợi bị lấn chiếm, đổ rác, phế thải, làm suy giảm khả năng tiêu thoát úng so với thiết kế.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố tồn đọng 10.160 vụ vi phạm công trình thủy lợi; trong đó có 1.360 vụ xây dựng nhà cấp ba, 2.966 vụ xây dựng nhà cấp bốn, 257 vụ xây dựng nhà xưởng sản xuất... Ngoài ra còn có 1.705 điểm xả nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 77 vụ vi phạm nhưng các địa phương mới xử lý, giải tỏa được 22 vụ.

Mặc dù UBND thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tình trạng xâm hại công trình thủy lợi vẫn chưa chấm dứt… Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết, theo các quy định của pháp luật, doanh nghiệp thủy lợi không có thẩm quyền xử phạt. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi và thông báo, đôn đốc cấp xã, cấp huyện giải quyết. Việc chậm xử lý các vi phạm là trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cấp huyện…

Thừa nhận chưa quyết liệt xử lý, xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên)… cũng chỉ ra những khó khăn để giải quyết dứt điểm những vụ việc như: Một số hộ dân xây dựng công trình từ trước khi Pháp lệnh Bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi có hiệu lực; nhiều công trình nhà ở nằm trong chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Để phát huy năng lực các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề nghị các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng và nâng cao trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi, nguồn nước; tập trung giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy phục vụ nhiệm vụ tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm úng ngập khu dân cư. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thủy lợi xây dựng kế hoạch, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật thủy lợi; đồng thời có giải pháp hiệu quả ngăn ngừa vi phạm và tái phạm… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.