Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao thu nhập là đột phá

Hoài Thu| 01/04/2011 07:48

(HNM) - Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) bộc lộ rõ những khó khăn, đòi hỏi mỗi địa phương phải nỗ lực vượt qua, nhất là khu vực miền núi, nơi tập trung nhiều hộ nghèo. Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Ba Vì có những khoảng cách so với tiêu chí NTM, không dễ vượt qua trong một sớm một chiều.


Nông dân huyện Ba Vì thu hái chè.

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân khẳng định, với huyện Ba Vì, năm 2011 là năm của quy hoạch. Các quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, giao thông, môi trường, du lịch... phục vụ tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đã và đang được hoàn thành khẩn trương. Mục tiêu của huyện Ba Vì, trong quý II sẽ hoàn thành xong quy hoạch NTM các xã giai đoạn 1. Các xã còn lại hoàn thiện quy hoạch trong năm 2012. Đây là việc làm rất khó, ít địa phương hoàn thành được quy hoạch NTM theo đúng bộ tiêu chí quốc gia.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song việc xây dựng NTM của Ba Vì cũng đặt ra những khó khăn khó giải quyết trong một sớm, một chiều. Nổi cộm là việc thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu, mấu chốt là do hạn mức đất UBND TP cho phép đấu giá quá nhỏ so với nhu cầu, với Ba Vì mặt bằng giá chưa cao nên khó tạo nguồn thu lớn. Mặt khác, việc huy động sức dân còn nhiều khó khăn do thu nhập của các hộ chưa đồng đều. Việc hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở huyện Ba Vì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay... Điều đó, phần nào cản trở việc xây dựng NTM của Ba Vì. Tuy nhiên, Bí thư Hoàng Thanh Vân lạc quan cho rằng, nguồn vốn thiếu, nhưng quan điểm của huyện vẫn triển khai, xã nào xung phong xây dựng NTM sẽ thực hiện trước. Ba Vì xác định, chương trình xây dựng NTM là cuộc thi đua, quá trình thực hiện có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhưng quy hoạch luôn đi trước một bước.

Đột phá về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Ba Vì chọn đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động làm điểm đột phá xây dựng NTM. Đó có thể là phương án hợp lý vì khách quan mà nói, kinh tế Ba Vì đang phát triển đúng hướng, nhất là sản xuất nông nghiệp. Riêng vụ xuân 2011, Ba Vì đã mở rộng diện tích sạ lúa theo hàng lên 2.446ha, vượt 446ha so với kế hoạch; áp dụng thành công cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất tại xã Phú Phương; phát triển 3 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích hơn 300ha tại các xã Phú Phương, Phong Vân, Đồng Thái. Phó Chủ tịch huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, cùng với việc đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, những tiến bộ chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân, cải tiến quy trình canh tác, áp dụng kỹ thuật mới có tính đột phá… được triển khai rộng, tạo ra bước chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài lúa là cây trồng chủ lực, Ba Vì đang mở rộng hàng trăm hécta trồng rau an toàn, đặc biệt là phát triển cây chè, một trong ba sản phẩm huyện đã xây dựng thành công thương hiệu. Hiện diện tích cây chè của Ba Vì đạt khoảng 1.600ha với sản lượng 13.000 tấn/năm, nguyên liệu đủ cung cấp cho gần chục nhà máy trên địa bàn huyện. Một trong những thế mạnh của Ba Vì trong cơ cấu nông nghiệp là chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Tổng đàn gia súc, gia cầm huyện luôn duy trì khoảng 2,6 triệu con, nhưng lớn nhất là loại gà đồi với khoảng 1,8 triệu con và đàn bò khoảng 4.700 con (60% là bò sữa). Bí thư Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện đàn bò của Ba Vì chiến 1/4 số lượng bò toàn thành phố và Ba Vì là địa phương có số lượng bò sữa lớn nhất miền Bắc. Cứ đà như hiện nay, chỉ vài năm nữa đàn bò của Ba Vì sẽ lên tới 10.000-15.000 con. Tương tự, nuôi trồng thủy sản của Ba Vì cũng đang phát triển vượt bậc, Ba Vì đã quy hoạch hơn 1.800ha chuyên nuôi trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản, trong đó hai khu chuyên canh ở vùng Cổ Đô - Vạn Thắng với diện tích gần 500ha.

Trong phát triển kinh tế, hoạt động du lịch, dịch vụ là một mũi nhọn của huyện Ba Vì để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu lao động phục vụ xây dựng NTM. Hiện các điểm du lịch của Ba Vì đã thu hút gần 20 doanh nghiệp đầu tư. Tăng trưởng du lịch bình quân của huyện từ 22% đến 25%/năm (kể cả số lượt du khách đến tham quan và doanh thu từ dịch vụ). Dự kiến năm 2011, Ba Vì đón khoảng 2 triệu lượt du khách đến tham quan các điểm du lịch, qua đó tạo việc làm cho 1.500 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động cung ứng dịch vụ tại các vùng du lịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao thu nhập là đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.