Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả khai thác thủy lợi nội đồng

Kim Nhuệ| 22/12/2021 07:45

(HNM) - Sau khi tiếp nhận lại các công trình thủy lợi nội đồng, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quản lý, khai thác. Khắc phục tình trạng trên, các cấp, ngành của thành phố đang triển khai nhiều biện pháp để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi nội đồng.

Sau khi tiếp nhận lại các công trình thủy lợi nội đồng, huyện Mỹ Đức đã đầu tư cứng hóa nhiều tuyến kênh để phục vụ sản xuất.

Kênh đìa 2 có nhiệm vụ dẫn nước tưới và tiêu úng cho hơn 30ha sản xuất nông nghiệp của xã Phú Châu (huyện Ba Vì). Quan sát thực tế ngày 18-12, phóng viên Báo Hànộimới rất khó phân biệt ranh giới giữa công trình thủy lợi và đất ruộng của người dân bởi lòng kênh bị bồi lắng bùn đất, cỏ mọc um tùm, bờ kênh bị sụt sạt rất nhiều vị trí... Bà Nguyễn Thị Hoa và nhiều người dân khác ở xã Phú Châu cho biết, khi huyện Ba Vì bàn giao hệ thống thủy lợi nội đồng cho doanh nghiệp thủy lợi theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, người dân ở đây đã rất hy vọng, thế nhưng, suốt 5 năm qua, doanh nghiệp thủy lợi thành phố và các cấp của huyện Ba Vì cũng không đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp dẫn đến công trình vốn đã xuống cấp nay càng xuống cấp... “Người dân rất mong các cấp, ngành đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...”, bà Nguyễn Thị Hoa nói thêm.

Không riêng Phú Châu, nhiều công trình thủy lợi nội đồng ở các xã khác của huyện Ba Vì, như: Tản Hồng, Phong Vân, Cổ Đô... đang trong tình trạng tương tự. Tìm hiểu thực tế tại các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, phóng viên nhận thấy rất nhiều công trình thủy lợi nội đồng cũng bị hư hỏng, xuống cấp.

Trao đổi về việc này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, năm 2017, huyện Ba Vì bàn giao toàn bộ công trình thủy lợi nội đồng cho Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích quản lý, khai thác theo quyết định phân cấp của UBND thành phố. Do vậy, huyện Ba Vì không có thẩm quyền đầu tư những công trình này...

Liên quan việc trên, các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, nông dân sử dụng nước phải đóng góp kinh phí sửa chữa hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng. Tuy nhiên, do không đủ căn cứ pháp lý nên cả doanh nghiệp thủy lợi thành phố và các hợp tác xã không có thẩm quyền thu phí. Vì vậy, nguồn lực đầu tư những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng những năm qua rất hạn chế...

Khắc phục những bất cập trên và thực hiện Luật Thủy lợi, UBND thành phố Hà Nội quyết định phân cấp cho cấp huyện quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng. Hiện nay, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã giao cho 755 tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý 1.390 trạm bơm, 31.676 tuyến kênh với tổng chiều dài 15.695km, 82 hồ thủy lợi, 402 đập dâng. Cấp huyện chịu trách nhiệm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng. Thành phố Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng...

Sau gần 1 năm quản lý, khai thác, các tổ chức thủy lợi cơ sở của Hà Nội đã chứng tỏ mô hình hoạt động phù hợp thực tế tại địa phương... Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều cán bộ, người làm việc tại các tổ chức thủy lợi cơ sở của Hà Nội chưa đáp ứng quy định pháp luật hiện hành.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết: “Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi nội đồng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã trình UBND thành phố ban hành kế hoạch thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở; trong đó, Sở NN&PTNT Hà Nội rà soát năng lực của các tổ chức thủy lợi cơ sở hiện có và đề xuất kế hoạch tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả khai thác thủy lợi nội đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.