Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 40 mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, trong đó các mô hình nổi bật mang lại hiệu quả cao như camera giám sát an ninh trật tự, nhà trọ công nhân tự quản, ứng dụng Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm…
Ngày 10-7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội theo quyết định số 1945/QĐ-BCĐ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng Phòng tham mưu (Công an thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, lực lượng công an đã phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn; chủ động triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các địa bàn trọng điểm.
Trong 6 tháng năm 2024, toàn thành phố có 23/49 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội được chuyển hóa đảm bảo tiêu chí, đạt 46,93%.
Năm 2023, qua công tác tuyên truyền, vận động, người nhân đã cung cấp cho các cơ quan chức năng 15.966 tin liên quan về an ninh trật tự, từ đó giúp lực lượng công an xử lý 1.927 vụ việc với 2.222 đối tượng vi phạm hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tại hội nghị, Trưởng ban phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Dương Thị Huyền Trâm, cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho đối tượng phạm tội; xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh từ mỗi gia đình và khu phố, ấp... luôn được coi trọng.
Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng lực lượng công an các cấp vận động nhân dân thành lập và triển khai hơn 40 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự.
Trong đó có một số mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả cao trong phòng chống tội phạm như mô hình camera giám sát an ninh trật tự, nhà trọ công nhân tự quản về an ninh trật tự, nhóm hộ tự quản, tự quản về an ninh trật tự, ứng dụng mạng xã hội (Zalo) tuyên truyền phòng, chống tội phạm…
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề ra những giải pháp nhân rộng mô hình, cách làm hay thúc đẩy việc thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền.
Ông Phạm Minh Tuấn cũng đề nghị hệ thống MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò của nhân dân tăng cường giám sát ở cơ sở nhằm kịp thời phát hiện và thông tin đến lực lượng công an xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội về cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật, truyền bá và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.