(HNM) - Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội đã khẳng định sự chăm lo của thành phố đến đời sống nhân dân, nhất là đối tượng yếu thế. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này và một số nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về những chính sách Hà Nội đã áp dụng trong công tác bảo trợ xã hội thời gian qua?
- Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là triển khai hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, góp phần bảo đảm đời sống nhân dân. Năm 2022, triển khai công tác cứu trợ đột xuất, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Sở đã hoàn thành tốt việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố, thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.907.969 lượt đối tượng, với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng. Cùng với đó, triển khai Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 27-4-2022 của UBND thành phố về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố, Sở đã tham mưu, tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ tiền thuê nhà cho 430.258 lượt lao động của 25.513 đơn vị, với kinh phí 225,419 tỷ đồng. Tất cả đều được triển khai thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng, kịp thời và minh bạch.
Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội một số quận, huyện tập huấn về công tác trợ giúp xã hội; tuyên truyền, tập huấn chính sách hỏa táng, công tác tập trung người lang thang. Năm qua, hơn 500 người lang thang xin tiền, người vô gia cư được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội (trong đó có 37 người tâm thần lang thang, lang thang ốm yếu suy kiệt do các bệnh viện bàn giao). Theo thống kê mới nhất của kỳ báo cáo tháng 2-2023, có 19 người lang thang xin tiền, người vô gia cư mới được tiếp nhận bổ sung vào các trung tâm bảo trợ xã hội... Toàn bộ các phần việc này được các đơn vị chức năng của Sở thực hiện bảo đảm tính nhân văn và hỗ trợ tối đa cho các đối tượng.
- Hiệu quả công tác bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội còn được thể hiện qua các con số nào, thưa ông?
- Toàn thành phố hiện có hơn 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 2.800 người thuộc diện đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong năm 2022, 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau.
Đáng chú ý, chế độ, chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố, đối tượng được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng từ 1,76 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng, vì vậy, đời sống của họ ngày càng được bảo đảm. Các đơn vị khối bảo trợ xã hội đã hoàn thành tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tốt. Toàn khối đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tăng cường chế độ dinh dưỡng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
- Từ nay đến cuối năm, Sở tập trung các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào để công tác bảo trợ xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả?
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, thực hiện trợ cấp hằng tháng đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội; bảo đảm 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan.
Nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách theo Nghị định số 20/2021/ NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các chương trình, đề án, chính sách liên quan. Cùng với đó là thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp. Đồng thời, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội. Theo dõi sát sao tình hình thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm khi người dân gặp khó khăn hay rủi ro đều được thăm hỏi, hỗ trợ, góp phần bảo đảm ổn định và công bằng xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.