(HNM) - Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo mấy năm qua không ổn định và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới không tăng như mong muốn. Năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo khá ảm đạm, do số lượng hợp đồng không nhiều.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong tình huống có thể tiếp tục không thuận lợi…, các bộ, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) đang nghiên cứu, đưa ra định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn. Theo Bộ Công thương, Châu Á được xác định là thị trường quan trọng hàng đầu, chiếm 75% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Do vậy, các DN cần quan tâm liên tục, bám sát các tín hiệu thị trường và chủ động ký hợp đồng phù hợp với thời điểm vụ thu hoạch để giải phóng nhanh lượng gạo trong nước. Châu Phi là thị trường chiếm hơn 20% lượng gạo xuất khẩu của nước ta nhưng hiện đang bị gạo Thái Lan và Ấn Độ cạnh tranh rất gay gắt. Về cơ cấu mặt hàng, cần gia tăng khối lượng gạo thơm để tăng thị phần. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và gạo cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh sẵn có, tận dụng cả thuận lợi về giá thành sản xuất và giá cước vận chuyển trong xuất khẩu 2 loại gạo này sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc; từng bước thiết lập thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa chủng loại gạo kết hợp với việc không cần tập trung quá cao vào một vài thị trường gần để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, phải tận dụng sự thuận lợi trong giao thương với các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để tiếp cận khách hàng, mở rộng xuất khẩu.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất lúa gạo phải bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện việc tăng cường liên kết và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo để giảm giá thành, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Một số biện pháp sẽ được thực hiện gồm: kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu về ATVSTP, hướng tới phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ và thực hành canh tác tiên tiến, sử dụng giống chất lượng và năng suất cao kết hợp với nâng cao hiệu quả thu hoạch, tồn trữ và bảo quản sau thu hoạch. Sau cùng là công tác nghiên cứu và thực hiện việc xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng.
Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm để làm căn cứ kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ việc giữ uy tín và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và địa phương sở tại cũng nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng trung tâm kiểm định tiêu chuẩn gạo theo chuẩn quốc tế tại đồng bằng sông Cửu Long để tiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng gạo kịp thời, chính xác. Đây là khâu cần thực hiện sớm để giảm chi phí cũng như thời gian cho việc đưa mẫu gạo sang Thái Lan để phân tích. Ngoài ra, các DN cũng được khuyến cáo tự thẩm định và loại bỏ các loại vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất đã lạc hậu nhằm đáp ứng mục đích canh tác hiện đại, sạch. Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tập trung làm tốt công tác quản lý thị trường, phát hiện hoạt động nhập khẩu thuốc BVTV hoặc phân bón giả để từng bước lành mạnh toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ gạo. Bộ GT-VT được khuyến nghị sớm nghiên cứu, triển khai việc mở rộng, khơi thông luồng lạch cho tàu trọng tải 20 nghìn tấn vào các cảng trên Sông Hậu để "ăn hàng", giúp giảm giá thành, thời gian vận chuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.