(HNM) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chống nạn dốt đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là vấn đề cấp bách trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nước nhà lúc bấy giờ.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) tặng hoa chúc mừng cô giáo. Ảnh: Bá Hoạt |
Dù có lợi thế về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, song Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là từ khi điều chỉnh địa giới hành chính với diện tích 3.300km2, trở thành một trong 17 thành phố lớn nhất thế giới. Với dân số đông, phần nhiều là nông dân, địa bàn sinh sống có sự chênh lệch nhất định về điều kiện kinh tế - xã hội, nhiệm vụ cốt lõi được ngành giáo dục Thủ đô quan tâm, đặt lên hàng đầu là nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về trình độ nhận thức của người dân ở các địa bàn, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho việc mở rộng quy mô, mạng lưới trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn. Ngân sách phục vụ sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm, ưu tiên ở mức cao nhất với tỷ lệ hơn hai mươi phần trăm trong tổng ngân sách. Tính riêng trong năm học 2014-2015 vừa qua, tổng kinh phí thành phố phân bổ cho ngành giáo dục để thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là hơn 75 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho việc xây dựng, cải tạo trường lớp chiếm phần không nhỏ. Hà Nội cũng đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để cải thiện mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Thống kê cho thấy hiện có 78 dự án xã hội hóa xây dựng trường học đang triển khai với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.600 tỷ đồng. Những nỗ lực này đã góp phần hoàn thiện mạng lưới trường học ở Thủ đô, từ chỗ chỉ có hơn một trăm trường học, sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, quy mô giáo dục Hà Nội đã lên tới hơn 2.500 cơ sở giáo dục đang hoạt động, phục vụ nhu cầu học tập của hơn 1,6 triệu học sinh các cấp học.
Việc đa dạng hóa các loại hình giáo dục, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi lứa tuổi đều có thể đi học, tiếp cận tri thức được đặc biệt coi trọng. Mạng lưới giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển, thu hút gần 12% tổng số HS của toàn thành phố. Hệ thống giáo dục thường xuyên được phủ khắp các quận, huyện, thị xã, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí bằng nhiều mảng việc như xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các độ tuổi, tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức văn hóa, nâng cao hiểu biết và khả năng lao động, sản xuất. Số học viên theo học các loại hình tại trung tâm giáo dục thường xuyên là trên 100 nghìn học viên/năm. Ngoài ra, các trung tâm còn huy động hơn 2 triệu lượt người dân tham gia học tập các chuyên đề, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Bằng những hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân được học tập thường xuyên, học theo nhu cầu, trung tâm giáo dục thường xuyên còn là một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập ở Thủ đô.
Cùng với việc đa dạng hóa loại hình trường, lớp, xây dựng đội ngũ nhà giáo được Hà Nội xác định là nhiệm vụ then chốt quyết định chất lượng giáo dục, trong đó có việc nâng cao trình độ dân trí. Bác Hồ từng nói về vai trò quan trọng của đội ngũ này: "Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo". Ghi nhớ lời dạy của Người, ở bất kỳ giai đoạn nào, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Sau thời điểm Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, đội ngũ nhà giáo Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ với 116 nghìn người. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội đứng trước những thách thức không nhỏ nhằm khắc phục tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các địa bàn. Khi đó, dù phần lớn các trường đều đã có 100% giáo viên đạt chuẩn, vẫn có không ít trường chỉ đạt tỷ lệ hơn 50%. Nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, tích cực nhằm tác động vào mọi "công đoạn" xây dựng đội ngũ, từ tuyển dụng, đào tạo, sử dụng đến bồi dưỡng thường xuyên, luân chuyển. Đến nay, 100% giáo viên của Hà Nội đều đã đạt chuẩn. Tỷ lệ trên chuẩn ở các cấp học đều cao hơn so với mức trung bình của cả nước, trong đó cao nhất là tiểu học - 95%, THCS - 70%, mầm non - 50%...
Những nỗ lực ấy của Hà Nội đã góp phần giữ vững vị thế đơn vị dẫn đầu cả nước về GD-ĐT nhiều năm qua, trong đó, việc nâng cao dân trí được kiên trì xác định vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp, đồng thời là mục tiêu để góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.