(HNMO) - Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Đó là nội dung nêu trong Kế hoạch số 295/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự so với năm trước, mỗi huyện, thị xã kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch Covid-19).
Thành phố phấn đấu đến hết năm 2025, đạt các tiêu chí, chỉ tiêu về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: 100% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; mỗi huyện, thị xã có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực an ninh, trật tự; có 100% số huyện đạt chỉ tiêu 9.4 của tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% số huyện đạt chỉ tiêu 9.1 của bộ tiêu chí về An ninh trật tự - Hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu quán triệt, triển khai nghiêm túc Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là vai trò của người đứng đầu, đảng viên; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa lực lượng công an với các ban, ngành, đoàn thể, trong đó, công an là lực lượng nòng cốt, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; trong khu vực phòng thủ, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các tiêu chí khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.