(HNM) - Ngoại trừ tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ chỉ có một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác. Do đó, xe buýt thường vẫn sẽ giữ vai trò
Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ sẽ giúp cho xe buýt gần gũi hơn và là sự lựa chọn hàng đầu của người dân.Ảnh: Anh Tuấn |
Không ngừng đổi mới
Trong tình hình giao thông Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân dẫn tới áp lực giao thông và ùn tắc giao thông, VTHKCC bằng xe buýt tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, được xác định là hướng đi bền vững trong việc giải quyết các vấn đề giao thông đô thị.
Theo Sở GT-VT Hà Nội, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô hiện có 101 tuyến, trong đó có 77 tuyến buýt có trợ giá, 11 tuyến không trợ giá, 9 tuyến buýt kế cận, 4 tuyến buýt thí điểm. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách, năm 2016 mạng lưới tuyến tiếp tục được mở rộng, hợp lý hóa (mở rộng vùng phục vụ 13 tuyến, mở mới 5 tuyến).
Nhiều khu vực ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như huyện Quốc Oai, Xuân Mai, các khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng... Hạ tầng cũng như đoàn phương tiện tiếp tục được quan tâm đầu tư đổi mới chất lượng dịch vụ. Các phương tiện đều bảo đảm tiêu chuẩn buýt đô thị, được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có hệ thống thông tin bằng đèn led và hệ thống tự động báo điểm dừng bằng âm thanh.
Đặc biệt, cũng trong năm 2016, một số tuyến buýt mới với chất lượng cao (xe mới, màu sơn và bộ nhận diện thương hiệu mới, có wifi miễn phí...) đưa vào vận hành đã được hành khách đánh giá cao. Nhờ đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm so với năm 2015, song năm 2016 xe buýt vẫn phục vụ khoảng 425 triệu lượt hành khách, đáp ứng gần 15% nhu cầu đi lại của người dân (trong đó 90% sản lượng thuộc về đoàn phương tiện của Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco).
Nhiều người dân khi được hỏi đã có những đánh giá tích cực về những đổi thay của xe buýt Thủ đô. Là một hành khách thường xuyên đi xe buýt, bà Nguyễn Minh Loan (ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, xe buýt đang ngày càng thân thiện và dễ tiếp cận hơn. Ví dụ như tuyến xe buýt 86 Ga Hà Nội - Sân bay Nội Bài từ lúc mở (vào cuối tháng 4-2016) đến nay đã thực sự là dịch vụ chất lượng cao đúng như tên gọi, giúp người dân có thêm sự lựa chọn hợp lý thay vì phải tốn kém nếu đi bằng taxi mỗi khi có nhu cầu lên sân bay và ngược lại. Ứng xử của đội ngũ nhân viên lái xe, bán vé trên các tuyến xe buýt văn minh, lịch sự hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước đây...
Đồng bộ nhiều giải pháp
Xe buýt đang gặp nhiều khó khăn khi phải lưu thông chung làn với các phương tiện khác. Ảnh: Anh Tuấn. |
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục mở rộng, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, phấn đấu đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020. Để làm được việc này, Sở GT-VT đang cùng các ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu, từng bước mở rộng mạng lưới, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến nhằm tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt, để có thêm nhiều người dân ở các vùng xa, vùng ngoại thành, được sử dụng xe buýt. Xe buýt cũng phải tiếp cận được với các khu đô thị, khu công nghiệp...
Từ nay đến năm 2020, cùng với xe buýt, Thủ đô sẽ có thêm các loại hình vận tải mới, như BRT, đường sắt đô thị, tuy nhiên xe buýt thường vẫn được xác định là chủ lực, "xương sống" của hệ thống VTHKCC. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỷ lệ hành khách, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ngay trong giai đoạn tới, UBND thành phố đã yêu cầu Sở GT-VT và Tổng công ty Vận tải Hà Nội triển khai ngay các đầu việc, bao gồm tăng số lượng xe từ 1.200 đến 1.400 xe cho cả 3 loại phương tiện: Lớn, vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn chất lượng cao; chuyên môn hóa bộ phận khảo sát xây dựng, thiết kế các tuyến và tổ chức mạng lưới chạy xe bảo đảm khoa học; cung cấp dịch vụ wifi trong xe; phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông để bảo đảm lộ trình chạy xe đúng giờ; tổ chức quản lý xe, hành trình chạy xe theo công nghệ thông minh, từng bước đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng chuyên nghiệp, văn minh...
Dù đã có nhiều nỗ lực, phủ rộng đến 80% số quận, huyện, song tỷ lệ người dân đi xe buýt còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Xe buýt vẫn phải "ì ạch" trên những cung đường luôn ùn tắc, đặc biệt trong giờ cao điểm nên chưa thực sự hấp dẫn người dân. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ yếu tố hạ tầng đường sá, mạng lưới tuyến cho đến cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế. Cụ thể, sau hơn 10 năm phát triển, xe buýt vẫn hoạt động trên đường giao thông hỗn hợp, chưa có đường dành riêng...
Ngân sách đầu tư cho phát triển VTHKCC chưa tương xứng, gây khó khăn cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ… Ðể thu hút và giữ chân hành khách, ngoài chất lượng phương tiện, hành khách không thể đi trên xe buýt chạy trên làn đường đặc kín phương tiện giao thông, thường xuyên bị ùn tắc và muộn giờ. Vì thế, xe buýt cần những giải pháp đồng bộ, cần "cú hích" đủ mạnh để phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.