(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31-8-2022 về tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Để thực hiện chỉ thị này, cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đang tập trung bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp học quá tải, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ mầm non, học sinh phổ thông...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Rà soát nhu cầu giáo viên để có phương án bố trí nguồn lực
Hai năm qua, tuy chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở mầm non vẫn tích cực phối hợp, hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện chế độ vệ sinh, dinh dưỡng khoa học, tổ chức hoạt động vui chơi, bảo đảm an toàn cho trẻ. Năm học 2021-2022, thành phố đầu tư 5.180 tỷ đồng cho giáo dục mầm non, kiểm định chất lượng, công nhận 93 trường đạt chuẩn quốc gia. Để khuyến khích phát triển trường mầm non ngoài công lập, cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ vay vốn, hưởng chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, miễn giảm thuế… Xác định cấp học mầm non có nhiều đặc thù, khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nên năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn thể chất, tinh thần cho trẻ. Tăng cường đầu tư cho giáo dục đi đôi với phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên; tập trung rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, có phương án bố trí nguồn lực bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hằng năm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giảng dạy trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa:
Xây dựng phương án giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn
Thời gian qua, quận Hà Đông luôn đề cao phối hợp và tham mưu để cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết các khó khăn và ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo. Chủ động rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Đồng thời xây dựng phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn. Quận cũng chú trọng tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, trong đó đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề trường, lớp ở khu vực có khu công nghiệp; yêu cầu chủ đầu tư tại các dự án phải dành quỹ đất và xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến:
Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục tiên tiến
Để phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chăm sóc trẻ, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức đã phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thiết kế video, phim hoạt hình, truyện tranh… cho 100% giáo viên. Thông qua đó, giáo viên mạnh dạn, tự tin trong thiết kế bài giảng điện tử, video clip hướng dẫn trẻ các hoạt động chăm sóc giáo dục. Từ đặc thù của địa phương, hằng năm Phòng luôn xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho đối tượng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; học sinh vùng xa, dân tộc thiểu số để các em đủ điều kiện bước vào năm học mới... Cũng để góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trong năm học 2022-2023, Phòng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, cơ quan chức năng tổ chức hiệu quả tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ cơ sở giáo dục mầm non Small World Phạm Thu Thủy, quận Bắc Từ Liêm:
Cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan quản lý
Những năm gần đây, số lượng các cơ sở giáo dục mầm non độc lập và tư thục tăng rất nhanh và đóng vai trò lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo viên, chương trình dạy và học, chế độ dinh dưỡng cho trẻ…, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cho mô hình này, chúng tôi rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc cho thuê đất xây dựng trường, cho thuê cơ sở vật chất với giá ưu đãi, miễn giảm thuế…
Bà Đinh Thị Minh Hoa, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm:
Phải có cơ chế giám sát về quản lý thu, chi tài chính
Cứ mỗi đầu năm học, bên cạnh những nỗi lo chọn trường, chọn lớp cho con, một trong những vấn đề được các phụ huynh đặc biệt quan tâm, đó là các khoản thu đầu năm học cũng như cách quản lý thu, chi tài chính tại mỗi trường. Để ổn định tình hình, phụ huynh rất mong các cơ quan quản lý có cơ chế giám sát, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi tài chính, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Bên cạnh đó, cần chú trọng thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.