(HNM) - Thành phố Hà Nội đã đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Kết quả nổi bật là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi thể thấp còi đã giảm từ 17,8% năm 2011 xuống còn 11,8% vào năm 2020; chiều cao của thanh niên 17 tuổi năm 2016 ở nam là 166,4cm, ở nữ 157,2cm, đến năm 2021 tăng lên lần lượt là 168,8cm và 157,4cm. Thành phố cũng duy trì hiệu quả việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ sau sinh, bảo đảm độ bao phủ và yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng hiện tại thành phố vẫn đang phải đối diện với một số vấn đề về dinh dưỡng. Nổi lên là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Đặc biệt là ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%).
Đáng nói là kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Hoạt động thể lực ở mức khuyến cáo của người trưởng thành năm 2021 cũng chỉ đạt 38,3%. Mức tiêu thụ muối trung bình của người dân còn cao... Đây đang là những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạn tính không lây có liên quan tới dinh dưỡng.
Để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho người dân Thủ đô, những vấn đề đặt ra về dinh dưỡng nêu trên cần được can thiệp, điều chỉnh kịp thời, theo hướng đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ và có tính nhất quán. Trên tinh thần này, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14-10-2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030. Thành phố đặt mục tiêu thực hiện dinh dưỡng hợp lý với từng nhóm đối tượng, khu vực, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì; nâng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đạt 169cm đối với nam, 159cm đối với nữ vào năm 2025 và lần lượt là 170,5cm, 159cm vào năm 2030…
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các ngành chức năng, nhất là các ngành Y tế, Giáo dục cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về cách thực hành dinh dưỡng cho mọi người. Để truyền thông về sức khỏe, nâng cao chất lượng dinh dưỡng được hiệu quả cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, bảo đảm việc tuyên truyền diễn ra thường xuyên, cập nhật những kiến thức mới, hấp dẫn, dễ hiểu đến từng gia đình, từng cá nhân. Đặc biệt, cần tổ chức đa dạng các hoạt động cộng đồng về các sự kiện liên quan đến dinh dưỡng hằng năm như: Ngày vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… Thêm lưu ý là cần đẩy mạnh thông tin các chính sách, pháp luật về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh…
Một giải pháp nữa là ngành Y tế cần chủ động xây dựng, phổ biến các khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù. Cùng với đó là vai trò quan trọng của ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan trong việc đẩy mạnh sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ.
Bảo đảm chất lượng dinh dưỡng là góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.