(HNMCT) - Ngày 7-9, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh người lái xe khách mang biển số thành phố Hải Phòng cố tình không nhường đường dù lái xe chữa cháy đang trên đường thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp đã phát tín hiệu và gọi loa yêu cầu. Sự việc diễn ra vào buổi trưa cùng ngày, trên quốc lộ 17 - đoạn qua xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chỉ một ngày sau, từ clip nói trên, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đã tìm ra chiếc xe khách này, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với lái xe khách có hành vi vi phạm.
Quyết định nói trên được đưa ra một cách nhanh chóng, đúng pháp luật, được dư luận tán đồng bởi sự việc diễn ra trong bối cảnh “văn hóa nhường đường” ở Việt Nam dường như vẫn là khoảng trống, và hành vi không tự giác nhường đường cho xe ưu tiên xuất hiện ở nhiều nơi nhưng không phải khi nào cũng được xử lý nghiêm minh theo luật định. Một mức phạt thỏa đáng được đưa ra nhanh chóng không chỉ có tác dụng răn đe đối với người có hành vi vi phạm, mà còn có ý nghĩa nhắc nhở đối với người tham gia giao thông nói chung.
Cần phải hiểu rằng mỗi người đều có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông; mỗi hành vi vi phạm quyền được ưu tiên của một số loại xe đang làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đều có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể phát hiện hoặc có đủ bằng chứng để “khép tội” người có hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Trong bối cảnh đó, trật tự an toàn giao thông phụ thuộc nhiều hơn vào nhận thức của mỗi người về nghĩa vụ thượng tôn pháp luật, vào ý thức nhường nhịn và thái độ đồng lòng xây dựng văn hóa giao thông, trước tiên là “văn hóa nhường đường”.
Nhận thức, ý thức cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể, không chỉ thể hiện qua việc tự giác tuân thủ luật pháp mà còn qua hành vi phản kháng đối với những người cố tình bất tuân quy định, gây nguy hiểm cho người khác.
Một đám đông xe cộ loay hoay tìm cách thoát khỏi cảnh ách tắc kéo dài trong giờ cao điểm, không ai bảo ai tự giác tìm lối di chuyển vào sát lề đường để nhường chỗ cho xe cứu thương đang phát tín hiệu yêu cầu được ưu tiên. Một lái xe container đã bật đèn hiệu, dừng xe trên đường nhằm mở lối cho người cao tuổi qua đường... Những hình ảnh đó cần được lan tỏa rộng rãi hơn nhằm thức tỉnh cộng đồng, tạo dư luận đủ lớn để mỗi khi ai đó tìm cách vượt lên một cách trái luật đều phải cảm thấy xấu hổ với hành vi của mình.
“Nhanh một giây, chậm cả đời”, đó là lời cảnh báo, là một phần câu chuyện về văn hóa giao thông hiện nay, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Câu chuyện đó liên quan tới vấn đề xử phạt đối với người vi phạm có được thực hiện một cách nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi hay không; liên quan tới yêu cầu thức tỉnh cũng như tìm ra cách hình thành “tầm nhìn chung” về văn hóa giao thông mà ở đó, đầu tiên, không có gì khác hơn là tâm lý nhường nhịn giữa người với người.
Một chữ “nhường” thôi, khi thành phương châm ứng xử sẽ giúp nhiều người không phạm luật ngay cả khi đang rất vội, không tìm cách vượt lên tất cả chỉ bởi đó đã thành thói quen hoặc cảm thấy mình thua thiệt. Sự nhường nhịn không chỉ được thể hiện khi tham gia giao thông, mà còn qua cách ứng xử hằng ngày như xếp hàng vào thang máy, khi lên xe buýt, lúc thanh toán tiền hàng trong siêu thị hay mua xăng...
Một chữ “nhường” nói trên, muốn trở thành ý thức ứng xử thường trực thì cần được nhắc nhở hằng ngày, từ khi còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành, qua bài học trong nhà trường và lời dạy dỗ của cha mẹ, ông bà. Bởi thế, khi giáo dục trẻ, ngay từ bài học đầu đời, hãy nhắc chúng nắn nót một chữ “nhường”. Nên giúp trẻ hiểu rằng sự háo hức vượt lên bằng mọi cách, bao gồm cả cách thức không chính trực, không phải bao giờ cũng dẫn con người ta đến đích trước tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.