(HNM) - Tết vốn là mùa "bội thu" của ngành giao thông bởi lượng người về quê ăn Tết và trở lại TP Hồ Chí Minh tăng vọt và năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ngành giao thông cũng có không ít nỗi khổ vào thời điểm lẽ ra phải là "hốt bạc" này, chính vì vậy mà năm nào người có nhu cầu đi lại trong dịp Tết cũng phải chịu vất vả.
Đi tàu hỏa là sự lựa chọn của nhiều người vì giá vé không đắt như máy bay và an toàn hơn so với đi xe khách. Năm nay, dự đoán nhu cầu đi lại dịp Tết sẽ tăng 10-15% so với năm ngoái, nhưng ngành đường sắt vẫn giữ nguyên 100.000 chỗ đi tàu dù rằng số lượng này năm ngoái đã không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cảnh chờ đợi mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn. |
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn cho biết, dù rất muốn tăng số lượng hành khách nhưng ngành đường sắt không thể bởi hạ tầng rất hạn chế. Để vận chuyển 100.000 hành khách từ TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh phía Bắc (từ ngày 16 đến 30 tháng Chạp âm lịch) ngành đường sắt phải vận hành 12,5 đôi tàu Thống Nhất (tăng 7 đôi so với ngày thường). Như vậy, cùng với 5 tàu địa phương đi Nha Trang, Quy Nhơn, Huế… thì cứ chưa tới một giờ đã có một chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn. Bên cạnh tàu xuất phát từ ga Sài Gòn còn nhiều tàu địa phương xuất phát từ các ga dọc đường, tàu chạy từ chiều ngược lại... Vì vậy, để lượng tàu này lưu thông, ngành đường sắt phải bỏ 4 đôi tàu hàng (ngày thường chạy 7 đôi, ngày Tết chỉ chạy 3 đôi) để nhường đường cho tàu vận chuyển hành khách.
Bên cạnh hạ tầng, giá vé cũng là vấn đề khiến các ngành đường sắt, hàng không không muốn tăng thêm chuyến vào dịp Tết. Thông thường, ngành đường sắt tăng 10-20% giá vé so với ngày thường. Đây là một gánh nặng cho những người phải di chuyển vào dịp Tết, nhưng ngành giao thông cũng cho rằng họ nặng không kém. Ông Nguyễn Văn Thành lý giải, vào dịp Tết đa phần chỉ đầy khách một chiều, còn chiều ngược lại phải chạy rỗng (không có khách). Ví dụ, trước Tết chiều từ TP Hồ Chí Minh ra phía Bắc đầy khách, nhưng chiều ngược lại không có khách. Tình trạng cũng tương tự với thời gian sau Tết khi chiều chạy từ phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh nhiều khách và chiều ngược lại không có khách. Do vậy, để bù cho chuyến này thì chuyến chạy đầy phải được tăng giá vé gấp đôi để bù cho chi phí đầu vào, trong khi đó giá vé chỉ tăng 10-20% nên càng tăng chuyến… càng bị lỗ!
Cùng chấp nhận một chiều rỗng như các phương tiện khác trong dịp Tết, ngành hàng không cho rằng mình thiệt thòi hơn khi không được tăng giá vé như tàu hỏa và xe khách vì bị khống chế giá trần. Một chuyên gia trong ngành hàng không tính toán, bình quân hệ số ghế sử dụng cho một chuyến khứ hồi trong dịp Tết chỉ khoảng 50%, thấp hơn bình thường. Chưa kể, để kích cầu hành khách đi chiều ngược trong dịp này, các hãng hàng không phải khuyến mãi giá vé rất nhiều nên việc bù chi phí, cân đối lợi nhuận là bài toán nan giải. Ngành hàng không lại khó hơn khi máy bay phải thuê từ nước ngoài, vì vậy các hãng không dám mạo hiểm mà chỉ sắp xếp các chuyến bay từ các hành trình ít khách cân đối cho các hành trình nhiều khách hơn.
Không mua được vé máy bay, vé tàu cũng khó, hành khách cần tấm vé về quê ăn Tết chỉ còn trông chờ vào các chuyến xe khách. Với lợi thế cơ động hơn trong tăng chuyến, quay vòng xe và… tăng giá vé nên các nhà xe điều động xe rất nhiều để đáp ứng tất cả nhu cầu của hành khách. Thực tế, hằng năm các bến xe miền Đông, miền Tây vẫn hiệp thương tăng giá vé từ 20% đến 60% tùy chặng đường và thời gian khởi hành, thế nhưng việc kiểm soát giá vé trên xe khách rất khó nên tình trạng tăng 100% giá vé vẫn thường xuyên xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.