Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải bài toán huy động nguồn lực

Minh Phú| 11/10/2013 06:15

(HNM) - Xã Đồng Phú được huyện Chương Mỹ lựa chọn bổ sung vào danh sách các địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 1, hoàn thành trước năm 2015.

Sản xuất hàng mây tre đan được phát triển ở các làng nghề của xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt


Đồng Phú có 1.600 hộ dân với 6.300 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, do đó đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn thiếu. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Hải, những năm gần đây mặc dù có nhiều cố gắng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương nhưng để đạt chuẩn NTM thì còn nan giải. Khảo sát hiện trạng nông thôn trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã có 5 tiêu chí đạt, 8 tiêu chí đạt từ 50% trở lên và 6 tiêu chí đạt dưới 50%. Hiện Đồng Phú chưa có chợ, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa rất thấp. Cả xã có 85 tuyến đường làng ngõ xóm với chiều dài 15km, đến nay mới bê tông được 7,9km (chiếm 52%), còn lại chủ yếu rải đá cấp phối và đường đất. Xã có 30 tuyến đường trục chính giao thông thủy lợi nội đồng với chiều dài 17km và 35 tuyến đường nhánh dài 11km thì 100% là đường đất; 61 tuyến kênh cấp 3 với chiều dài 29km do xã quản lý mới cứng hóa được 7,3km. Thu nhập bình quân mới đạt 13 triệu đồng/người/năm (bằng 0,8 lần bình quân khu vực nông thôn của huyện Chương Mỹ 15,9 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 18,7%...

Theo đề án được duyệt, kinh phí xây dựng NTM của xã là 182 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 20,7 tỷ đồng, ngân sách huyện là 10,3 tỷ đồng, ngân sách xã là 59 tỷ đồng, vốn lồng ghép là 55,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 23,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là 6,3 tỷ đồng, các loại vốn khác là 6 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án đến hết năm 2013 xã sẽ thực hiện một loạt dự án để hoàn thành các tiêu chí về giáo dục, y tế; một số chỉ tiêu về giao thông, thủy lợi, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cấp đường dây hạ thế, trạm biến áp, khu thể thao toàn xã, xây dựng trụ sở ban công an, ban quân sự xã… "Tuy nhiên, kể từ khi được phê duyệt đề án đến nay, xã mới hoàn thành công tác quy hoạch, triển khai dồn điền đổi thửa và đào đắp được một số đoạn kênh mương, thủy lợi nội đồng, còn lại chưa triển khai được gì thêm. Thậm chí, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được đào đắp sau khi dồn điền đổi thửa nhưng chưa được cứng hóa rất lầy lội. Xã phải mua chịu đá, sỏi đổ lên các tuyến chính để nông dân ra đồng đi lại thuận tiện" - Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Lại Tiến Thạc cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Lại Tiến Thạc, khó khăn nhất hiện nay là huy động nguồn vốn. Triển khai xây dựng NTM được hơn 1 năm Đồng Phú đã làm 123 hạng mục gồm đường giao thông, mương thủy lợi, cống với giá trị là 6,6 tỷ đồng, đến nay địa phương mới được thành phố hỗ trợ 2,7 tỷ đồng trên 4,6 tỷ đồng tổng kinh phí được hỗ trợ đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng. Ở vùng quê thuần nông như Đồng Phú, nguồn thu ngân sách rất hạn chế. Bình quân mỗi năm, thu ngân sách xã chỉ đạt khoảng 4 tỷ đồng trong khi đó tổng chi là 2,9 tỷ đồng. Do vậy, kinh phí đối ứng xây dựng NTM rất khó khăn. Đồng Phú đã quy hoạch 5ha đất đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng NTM nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Thực tế thì nếu đấu giá ở thời điểm hiện tại cũng không được là bao bởi giá đất rất thấp. Ngoài vốn đối ứng của xã, vốn huy động doanh nghiệp cũng không đạt mục tiêu bởi doanh nghiệp trên địa bàn ít, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ…

Có thể thấy, để Đồng Phú hoàn thành được 6 tiêu chí xây dựng NTM là rất khó khăn nếu không có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, thành phố và huyện cần quan tâm bố trí vốn kịp thời; đặc biệt, cần có cơ chế tháo gỡ thủ tục đấu giá đất nhằm giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán huy động nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.