(HNM) - Nhiều nhà nghiên cứu và những người từng biết đến Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) đều chung nhận định: Nếu coi phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An là bảo tàng lối sống đô thị, thì Làng cổ Đường Lâm là bảo tàng của lối sống nông thôn, nông nghiệp.
Hội làng Mông Phụ và nét cổ kính của Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Há Hoạt |
"Bảo tàng sống" về nông thôn
Không gian văn hóa ở Đường Lâm với những đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ và nhà dân được bố trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên cây đa, giếng nước, sân đình của một vùng thôn quê truyền thống. Các gia đình ở đây còn giữ được những phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp trong ứng xử với tổ tiên (qua việc bài trí bàn thờ gia tiên) và nếp sống nông dân theo kiểu gia đình lớn (ba, bốn thế hệ chung sống trong một mái nhà). Hiện ở Đường Lâm có hơn 900 ngôi nhà truyền thống bằng vật liệu gỗ, đá ong, lợp ngói ri với ngoại thất và nội thất còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ. Hầu hết các nhà ở Đường Lâm đều có cổng, tường rào, sân, vườn, bình phong, nhà chính, nhà phụ, khu bếp, chăn nuôi… rất quen thuộc với các vùng nông thôn xưa. Với những nét đặc trưng đó, những năm qua Làng cổ Đường Lâm đã thu hút rất đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thăm.
Bài toán khó về bảo tồn
Sau khi được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Làng cổ Đường Lâm đã nhận được nhiều sự quan tâm của các ngành chức năng. Song trước dòng chảy của thời gian và cơn lốc đô thị hóa, ngôi làng cổ này đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo tồn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm: Những năm gần đây, Đường Lâm đã tiếp nhận nhiều dự án tôn tạo, bảo tồn, du lịch, nhưng chưa thấy có dự án nào cải thiện đời sống của người dân sống tại nhà cổ và làng cổ. Hơn 300 ngôi nhà cổ 5 gian, 7 gian tại Đường Lâm hiện nay còn giữ lại có niên đại hơn 100 năm, 200 năm, thậm chí 300 năm, tất cả đều trong tình trạng mối mọt, xuống cấp và ẩm thấp.
Chị Dương Thị Lan, thôn Mông Phụ, người đang sở hữu ngôi nhà cổ có niên đại từ năm 1780 cho hay: Những năm 90 của thế kỷ trước, căn nhà của gia đình chị bắt đầu xuống cấp trầm trọng. Những hôm trời mưa, nước dột cuốn theo bụi trên mái ngói, khiến ngôi nhà vừa ướt vừa bẩn. Năm 2001, mái ngói dột nhiều, anh chị đã dành hết tiền tích cóp để đảo lại ngói. Tạm yên tâm về chỗ ở nhưng lại xuất hiện nỗi lo mới, đó là nhiều hiện vật bằng gỗ trong nhà đang bị mối mọt "tấn công" làm hư hỏng nặng. Đặc biệt là bức tranh quý trên tường với đôi câu đối "Trị gia hữu đạo duy tòng cổ/Xử thế vô trì đãn xuất chân" nhằm răn dạy con cháu hãy giữ những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại và cách xử thế với mọi người.
Mặc dù Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm rất quan tâm nhưng chưa có biện pháp cụ thể, thiết thực để giúp chị có thể gìn giữ vốn cổ này. Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Huyến, việc giữ gìn ngôi nhà cổ mà cha ông để lại còn vất vả hơn nhiều. Ông Huyến bị câm bẩm sinh, còn bà Quýt - vợ ông thì bị điếc. Cuộc sống của gia đình vô cùng eo hẹp, sống nhờ vào mấy sào ruộng và nghề phụ đan giát giường. Bà Quýt cho biết, năm ngoái bộ cửa có cánh bị gãy hỏng, mỗi khi gió lùa, lạnh thấu xương, gia đình tích cóp vay mượn thêm được gần chục triệu đồng đóng lại bộ cửa (vẫn đóng theo kiểu cũ), ngôi nhà vì thế đã đỡ chống chếnh hơn. Không riêng gì gia đình chị Lan, ông Huyến, những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm có tuổi đời quá lâu năm nên đều đã xuống cấp.
Ngôi làng Việt cổ nổi tiếng đang bị mai một từng ngày bởi sức phá của thời gian, con người và thiên nhiên. Để giữ gìn văn hóa của ngôi làng Bắc bộ điển hình, chủ nhân của những ngôi nhà cổ vừa phải bảo đảm cuộc sống của mình với con trâu, cái cày, vừa phải chăm lo giữ gìn sửa chữa thường xuyên những ngôi nhà cổ để giữ nguyên dáng vẻ của nó. Tuy nhiên, sức người và sức của có hạn, làng cổ đang rất cần những hướng dẫn bảo tồn và sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.