(HNM) - Từ ngày mai 19-7, các thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Đây là cơ hội duy nhất cho các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hùng |
Nhiều trường dự kiến hạ điểm chuẩn
Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giao cho các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho các ngành đào tạo. Ghi nhận chung trên địa bàn Hà Nội, mức điểm sàn vào nhiều trường/ngành có chiều hướng giảm. Tiến sĩ Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết, mức điểm sàn của trường năm nay là 20,5 điểm (thấp hơn năm trước 1 điểm) và dự báo mức điểm chuẩn các ngành cũng sẽ thấp hơn năm trước. Tương tự, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến hạ điểm chuẩn từ 1 đến 3 điểm, tùy theo ngành. Trường Đại học Thương mại công bố mức điểm sàn từ 16,0 trở lên và dự báo mức điểm chuẩn của nhiều ngành sẽ giảm, nhất là với các ngành có điểm chuẩn cao ở năm trước. Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin: Những ngành có mức điểm chuẩn từ 25,0 đến 28,0 của năm trước, năm nay có thể sẽ giảm 2 điểm; những ngành có điểm chuẩn từ 24,0 trở xuống của năm trước có thể giảm 1,5 điểm...
Thực tế trên khiến không ít thí sinh có điểm thi thấp băn khoăn về cơ hội trúng tuyển và ngập ngừng với việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào những trường đang dự kiến mức điểm sàn thấp. Theo suy nghĩ của nhiều thí sinh, trường có điểm sàn thấp thì chất lượng đào tạo cũng sẽ thấp. Về vấn đề này, tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-7, Thạc sĩ Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng ban Công tác chính trị và công tác sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam lý giải: Mức điểm chuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường/ngành, yêu cầu chất lượng nguồn tuyển... Ngưỡng điểm sàn mà các trường công bố chỉ là mức điểm nhận hồ sơ, còn quy trình xét tuyển phải tuân theo nguyên tắc chung là xét từ mức điểm cao đến điểm thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, như những năm trước, các trường khối công an, quân đội thường có điểm chuẩn rất cao, thậm chí có những ngành có mức điểm chuẩn gần như tuyệt đối, liệu năm nay có giảm hay không? Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Thư ký tuyển sinh Cục Đào tạo Bộ Công an, điểm chuẩn khối ngành Công an dự kiến giảm, nhưng tùy từng tổ hợp. Còn theo thông tin từ Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, hiện có khá nhiều thí sinh đăng ký vào các trường quân đội nhưng chưa qua sơ tuyển, các em này nên điều chỉnh nguyện vọng sang các trường khác, vì việc phải qua sơ tuyển là điều kiện bắt buộc.
Điều chỉnh thế nào để có nhiều cơ hội?
Phụ huynh, thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh. |
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), việc được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển dựa theo điểm thi là một lợi thế mà thí sinh cần tận dụng để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, phù hợp với năng lực và nguyện vọng. Tuy nhiên, khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải thực hiện đủ quy trình, nếu thiếu một bước hoặc làm tắt thì việc đổi nguyện vọng sẽ không thành công. Các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ vẫn giữ nguyên như thời điểm thí sinh đăng ký hồi tháng 4-2018.
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định, nên việc nắm vững nguyên tắc, quy trình xét tuyển là điều cần lưu ý để có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Em Lê Mạnh Hùng (Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) băn khoăn: "Nhiều bạn đăng ký tới 7, thậm chí 10 nguyện vọng, trong khi em chỉ đăng ký 5 nguyện vọng. Em có nên đăng ký thêm nguyện vọng không? Phải chăng cứ đăng ký càng nhiều nguyện vọng thì cơ hội trúng tuyển càng cao?". Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT) giải đáp: Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển, song thí sinh cần nhớ nguyên tắc xét tuyển là thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh không có quyền xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo; nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng 1, phần mềm tiếp tục xét nguyện vọng 2, nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng 2 thì tiếp tục xét nguyện vọng 3... Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc, sắp xếp thứ tự nguyện vọng 1, 2, 3... phù hợp.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Giáo dục), thí sinh hãy chọn một ngành/nhóm ngành phù hợp với bản thân và đăng ký nhiều nguyện vọng vào ngành/nhóm ngành đó. Như vậy, các em vừa có nhiều cơ hội, vừa chắc chắn chọn được ngành nghề mình mong muốn. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính), thí sinh nên cân nhắc đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành khác nhau của một trường hoặc chọn ngành yêu thích, phù hợp và đăng ký nguyện vọng vào ngành đó của nhiều trường khác nhau.
Phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia và dự kiến của một số trường cho thấy, khả năng điểm chuẩn của nhiều trường/ngành năm nay sẽ thấp hơn năm 2017, song, thí sinh không nên chủ quan bởi đó chưa hẳn đã là đáp án chung. Vì vậy, việc điều chỉnh nguyện vọng như thế nào là điều thí sinh cần cân nhắc kỹ để đạt kết quả mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.