10 người chết và 5 người mất tích do mưa lũ; vỡ hồ chứa 2,3 triệu mét khối nước ở tỉnh Ninh Thuận * Thủ tướng chỉ đạo: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm giúp dân
Nhiều nhà cửa, hoa màu tại tỉnh Ninh Thuận ngập chìm trong nước. Ảnh: TTXVN
Thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ mấy ngày qua là tỉnh Khánh Hòa. Rạng sáng 2-11, tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng làm chết một cháu 11 tuổi; một cháu 3 tuổi bị thương nặng. Đến chiều qua (2-11), toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 5 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ. Tại huyện Diên Khánh, kè bờ sông Cái, đoạn cầu Phú Cốc đến tỉnh lộ 8 xã Diên Lâm, bị sạt lở phần thân kè dài 80m, cao 4m. Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với thành phố Nha Trang đã bị sạt lở nghiêm trọng, không thể đi lại; đèo Cù Hin nhiều vị trí sạt lở, nặng nhất tại km 12+700, 12+800; huyện miền núi Khánh Sơn vẫn bị cô lập; TP Nha Trang vẫn ngập chìm trong biển nước. Trong ngày 2-11, tỉnh Khánh Hòa đã mở cửa xả lũ một số hồ chứa nước lớn.
Đặc biệt nghiêm trọng, rạng sáng 2-11, hồ chứa Phước Trung (huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) dung tích 2,4 triệu mét khối bị vỡ ngang thân đập sâu 4m, dài khoảng 30m. Mực nước trên sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ và Phan Rang đều vượt báo động II, báo động III từ 0,5m-1,41m. Tỉnh Ninh Thuận đã triển khai việc hộ đê bằng 37 nghìn bao tải cát và 3.000 khối cát để ngăn nước tràn vào thành phố Phan Rang; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ, cứu nạn với 1.000 chiến sĩ của các lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên cùng hàng chục xuồng máy tập trung cho việc hộ đê sông Dinh. Đến tối qua (2-11), ở khu vực này nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn, mực nước có nguy cơ tràn qua đê.
Tại tỉnh Phú Yên, hôm qua tất cả các hồ thuỷ điện phía thượng nguồn đồng loạt xả lũ khiến TP Tuy Hòa ngập chìm trong nước lũ, người dân tỉnh này đang đối mặt nguy cơ một trận lũ lịch sử. Tại huyện Tuy An, chính quyền địa phương đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng di dời hàng nghìn người dân đến nơi an toàn; chuẩn bị 7.000 bao cát làm bờ bao che tại các khu vực thường xảy ra triều cường. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên, tỉnh này đã có 4 người chết do mưa lũ.
Tại tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài liên tục khiến mực nước của các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng lên nhanh nhấn chìm hàng nghìn hécta hoa màu, cà phê. Nhiều xã ở huyện Đức Trọng bị cô lập như Ninh Loan, Tà In, Tà Năng, Đà Loan, Đạ Quyn (huyện Đức Trọng). Đến tối qua (2-11) lực lượng cứu hộ của huyện Đức Trọng tăng cường cho xã Đạ Quyn vẫn bị kẹt lại tại xã Tà Năng do đường ngập sâu và nước chảy xiết. Hiện đời sống của người dân xã Đạ Quyn đang gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Đơn Dương, mưa lớn khiến hồ thủy lợi ở các xã Rờ Lơm, Đạ Ròn, Próh đều căng cứng nước buộc phải xả lũ làm ngập hàng nghìn hécta hoa màu dọc sông Đa Nhim và nhiều hạng mục công trình thủy lợi tại Próh hư hỏng nặng. Hiện đã ghi nhận một trường hợp thiệt mạng tại tỉnh Lâm Đồng.
Tại tỉnh Đắc Lắc, đường vào các xã vùng sâu Cư San, Cư Pao và Krông Á (huyện M'Đrắc); xã Cư Elang (huyện Ea Kar); xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) bị nước lũ chia cắt, ngập sâu trên 1m, ách tắc giao thông khiến các xã này bị cô lập.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm giúp dân
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ ký công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum chủ động đối phó với mưa, lũ lớn. Thủ tướng chỉ đạo 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân ở ven sông, khu vực thấp trũng bị ngập sâu, nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; tổ chức hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân bị đói, khát, rét. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm an toàn cho hồ chứa, đê điều. Các địa phương còn lại theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, phương tiện, lực lượng tại các địa bàn xung yếu. Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động lực lượng, phương tiện phối hợp ứng cứu; sẵn sàng xử lý sự cố đê điều, hồ chứa khi có yêu cầu.
Tối 2-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Ninh Thuận, chỉ đạo một loạt các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ, trong đó yêu cầu các lực lượng của tỉnh, với sự hỗ trợ của công an, quân đội tiếp tục kiểm tra, trực ban 24/24h và thường xuyên thông báo tình hình lũ cho nhân dân biết, đặc biệt ở lưu vực các dòng sông lớn, chủ động phòng tránh, tổ chức di dời các hộ dân các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập, vùng trũng, thấp ven sông, ven biển về nơi an toàn. Tỉnh tổ chức cứu hộ những hộ dân còn nằm trong vùng bị chia cắt, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở những khu vực tập trung tránh lũ. Trong ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ sẽ tiếp tục thị sát các vùng bị lũ, động viên thăm hỏi bà con tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa.
Ngày 2-11, Bộ Y tế cũng có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cấp cho 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng và Bình Định 140 cơ số thuốc, 500 áo phao và 600 nghìn viên Cloramin B. Bộ Y tế cũng giao Công ty Dược Trung ương 3 và Công ty cổ phần y tế DNAMECO kiểm tra chất lượng hàng hóa, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đúng quy định và cấp hàng trực tiếp đến các tỉnh kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.