(HNM) -Từ 0 giờ ngày 9-7-2011, nước Cộng hòa Nam Sudan chính thức ra đời. 11 giờ 45 phút (giờ địa phương), ngày 9-7, Chủ tịch Quốc hội Nam Sudan, James Wani Igga đã đọc bản Tuyên bố độc lập, quốc kỳ Sudan được hạ xuống và lá cờ mới của Nam Sudan được kéo lên tại thủ đô Juba.
Như vậy, tách ra từ Sudan, quốc gia lớn nhất châu Phi, Nam Sudan trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới, quốc gia thứ 193 trên thế giới được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và là thành viên thứ 54 của LHQ tại châu Phi.
Người dân Nam Sudan ăn mừng trong ngày độc lập. |
Nền độc lập CH Nam Sudan hôm nay đã kết thúc cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm giữa lực lượng nổi dậy ở miền Nam và các chính phủ Sudan qua các thời kỳ làm cho nhiều khu vực bị tàn phá, khoảng 2 triệu người thiệt mạng. Hiệp định Hòa bình toàn diện (CPA) có phân định đường biên giới, hai bên ký ngày 9-1-2005, đã giúp chấm dứt xung đột và mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập cho Nam Sudan vào tháng 1-2011. Theo đó 99% người dân Nam Sudan đã bỏ phiếu ủng hộ Nam Sudan tách ra khỏi miền Bắc.
Trở thành nước độc lập nhưng quốc gia mới ở châu Phi này, với dân số trong khoảng từ 7,5 đến 9,7 triệu người, diện tích gần 620.000km2, có trữ lượng dầu mỏ phong phú, sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách. Nam Sudan là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới. Tại đây, cứ 7 trẻ em có một em qua đời trước 5 tuổi. Tỷ lệ mù chữ của nước này cũng đặc biệt cao và phần lớn trẻ em dưới 13 tuổi không được đến trường. Có 84% phụ nữ Nam Sudan không biết đọc. Các cuộc xung đột giữa miền Bắc và miền Nam vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt, đường biên giới mới cũng gia tăng khả năng xung đột mới. Những lo ngại về xung đột mới khiến khoảng 170 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa rất dễ xảy ra ở Abyei, Nam Kordofan, đặc biệt ở khu vực Darfur. Để ngăn ngừa vấn đề này, ngày 8-7, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một phái bộ gìn giữ hòa bình mới tại Nam Sudan gồm 7.000 nhân viên quân sự, 900 cảnh sát và nhân viên dân sự, với thời hạn ban đầu một năm, nhằm hỗ trợ quốc gia non trẻ này giữ gìn ổn định an ninh trật tự. Ngoài ra còn có ít nhất 7 nhóm phiến quân đang hoạt động tại Nam Sudan, có thể đe dọa đến sự bất ổn của quốc gia này.
Để giúp cho Nam Sudan, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert B.Zoellick cam kết, WB là đối tác mạnh để giúp Nam Sudan sau ngày độc lập sẽ bước vào thập kỷ phát triển. Các ưu tiên của WB là hỗ trợ xây dựng nền tảng của một quốc gia mới, phát triển toàn diện và bền vững, quản lý tốt đất nước, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống của con người, xây dựng thể chế tốt để cung cấp cho người dân các dịch vụ cơ bản. Là quốc gia láng giềng, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cũng nhấn mạnh "sẵn sàng làm việc với người anh em miền Nam" và giúp họ lập quốc để đất nước này ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, thời gian tới, quốc gia trẻ nhất thế giới này còn quá nhiều thử thách phải đương đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.