(HNM) - Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, song công tác DS-KHHGĐ năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Bước sang năm Tân Mão, công tác DS tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực vượt qua, nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã chia sẻ với Hànộimới định hướng "vượt khó" của ngành trong năm nay.
- Xin ông cho biết đâu là những dấu ấn của công tác DS-KHHGĐ trong năm vừa qua?
- Năm vừa qua, công tác DS-KHHGĐ đạt được rất nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, ngành DS đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và là năm đầu tiên vượt chỉ tiêu (tỷ suất sinh thô giảm 0,3%o, vượt 50% chỉ tiêu giảm sinh Quốc hội giao); đây cũng là năm công tác DS-KHHGĐ chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng qua các mô hình, dự án: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại một số tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đề án nâng cao chất lượng DS của đồng bào Cống, Mảng, La Hủ, Si La; can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn từ trung ương đến địa phương. Ngành DS vinh dự nhận giải thưởng Công nghệ thông tin ASIAN 2010 về hệ cơ sở dữ liệu DS Việt Nam. Với tính năng ưu việt, hệ cơ sở dữ liệu DS là công cụ đắc lực cho hoạt động tổng hợp số liệu, trao đổi, lưu trữ, quản lý và dự báo nhân khẩu học... Những kết quả đó là tiền đề, động lực để giải quyết và vượt qua những khó khăn thách thức trong công tác DS-KHHGĐ.
Truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín. Ảnh: Vân Nga |
- Vậy những vấn đề mới nảy sinh cùng thách thức lớn của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa ông?
- Đó là quy mô DS nước ta đã ở mức cao 86,9 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, mật độ DS 260 người/km2 (mật độ DS rất cao); số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng nhanh và sẽ đạt cực đại vào năm 2020-2025. Vì vậy, dù đã đạt mức sinh thay thế nhưng DS nước ta vẫn tiếp tục gia tăng trong khoảng 30 năm nữa theo "đà tăng dân số" của quy luật nhân khẩu học. Mức sinh thay thế đã đạt được nhưng chưa thực sự vững chắc, còn 28 tỉnh, thành phố (chiếm 34% DS cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế. Cơ cấu DS bắt đầu chuyển từ giai đoạn "cơ cấu DS trẻ" sang giai đoạn "già hóa DS" và bước vào thời kỳ "cơ cấu DS vàng". Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi nhưng cũng là thách thức gay gắt đối với sự phát triển KT-XH và đối với công tác DS trong thời gian tới. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng, trở thành vấn đề lớn của xã hội. Nếu không được khống chế ngay từ bây giờ thì trong vài thập kỷ tới Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thừa nam, thiếu nữ như một số quốc gia trong khu vực đang phải gánh chịu. Những hệ lụy của vấn đề này rất nặng nề, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội.
Chất lượng DS thể hiện ở chiều cao, cân nặng của thanh niên. Về mặt này thì Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Tỷ lệ người khuyết tật còn cao, hiện chiếm 7,8% DS; số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh có xu hướng gia tăng; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tuy có tăng về mặt điểm số nhưng thứ hạng so với các nước trên thế giới trong 10 năm qua vẫn chưa có sự cải thiện. Điều này cần sớm khắc phục và nỗ lực hơn nữa để từng bước nâng cao chất lượng DS, nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của đất nước.
- Nắm bắt lợi thế, vượt qua thách thức của giai đoạn "dân số vàng", "già hóa dân số"… Cần hiểu như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ thì Việt Nam chỉ mất có 3 năm (từ 2005 đến 2008) đã chuyển từ "cơ cấu DS trẻ" sang giai đoạn "già hóa DS". Năm 2010, tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73 tuổi, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra là 72 tuổi; số cụ thọ từ 100 tuổi trở lên tăng cao, từ trên 3.000 cụ vào năm 1999 lên 7.200 cụ vào năm 2009. Chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho việc thích ứng với giai đoạn già hóa DS, nhất là chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi (NCT). Các nhà khoa học đã tính toán, nếu việc chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ tốn 1 đồng thì việc chăm sóc một NCT cần tới 8 đồng. Hiện nay, ở nước ta mới nặng về chăm sóc sức khỏe NCT, góc độ phát huy trí tuệ của NCT còn hạn chế. Một số nước trên thế giới đã làm rất tốt việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho NCT để tận dụng kinh nghiệm, kiến thức và sức khỏe mà họ có thể đáp ứng được.
Nước ta bước vào cơ cấu DS vàng với một lợi thế rất lớn, mỗi năm chúng ta có khoảng 1,2 đến 1,3 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Đó là nguồn lao động rất lớn mà nhiều nước mong muốn. Nếu giải quyết tốt công ăn việc làm cho họ thì đây là cơ hội để ta "cất cánh". Ngược lại, sẽ tạo ra gánh nặng, thách thức đối với xã hội bởi đây cũng là những đối tượng dễ bị vấp váp, sa ngã, mắc vào tệ nạn xã hội…
Công tác DS-KHHGĐ rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các bộ, ngành, đoàn thể, người dân, các tổ chức quốc tế cùng nỗ lực của những người làm công tác DS. Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi công tác DS là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Vì vậy, công tác DS-KHHGĐ đòi hỏi cần có sự phối hợp liên ngành và cần được nhận thức rõ tầm quan trọng để triển khai thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.