Thị trường vàng trong nước và thế giới trải qua năm 2024 với nhiều biến động. Hàng loạt mức giá lịch sử được thiết lập. Vậy năm 2025, vàng có còn là kênh đầu tư hấp dẫn?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2025, giá vàng rất khó dự báo, người dân nếu có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vào vàng, song “đừng cho hết trứng vào một giỏ” mà nên phân bổ vào một số kênh khác nhau.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường vàng trong nước và thế giới năm 2024?
- Thị trường vàng thế giới và trong nước trải qua năm 2024 rất sôi động. Giá vàng tăng mạnh, ngoài dự báo của chuyên gia. Trên thị trường quốc tế, ngày 30-10, giá vàng lần đầu đạt mốc gần 2.800 USD/ounce, điều không ai nghĩ đến khi đưa ra dự báo vào thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Tính chung cả năm, giá vàng thế giới tăng khoảng 28%, là mức tăng mạnh trong nhiều năm qua.
Thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới và kỳ vọng của người dân về giá kim loại quý này, đặc biệt khi lãi suất tiết kiệm thấp, sản xuất, kinh doanh chưa thực sự khởi sắc, thị trường chứng khoán rủi ro, thị trường bất động sản trầm lắng. Giá vàng trong nước cũng trải qua năm 2024 biến động mạnh. Giá vàng miếng lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng vào tháng 5 và vàng nhẫn đạt mốc kỷ lục 90 triệu đồng/lượng vào tháng 10. So với đầu năm, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn “đội” lần lượt khoảng 14% và 35%.
- Ngoài việc giá vàng thiết lập mức lịch sử, thị trường vàng trong nước còn điều gì chưa có tiền lệ, thưa ông?
- Đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, có thời điểm lên đến 18-20 triệu đồng/lượng. Thế nên, vào tháng 4 và 5-2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhằm cung cấp lượng vàng ra thị trường, thu hẹp chênh lệch khoảng cách với giá vàng thế giới, song không mang lại nhiều kết quả. Vì vậy, tháng 6-2024, cơ quan quản lý đã dùng biện pháp chưa có tiền lệ là bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán trực tiếp cho người dân.
Biện pháp trên bước đầu thành công khi giá vàng miếng SJC được điều chỉnh giảm mạnh, chỉ còn cao hơn giá thế giới 3-4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, điều chưa thành công là thị trường chưa thực sự ổn định. Vàng nhẫn, dù không bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát vẫn rất khó mua, giá có lúc cao hơn cả vàng miếng SJC. Đây là điều bất thường trên thị trường.
- Vậy theo ông, giải pháp để thị trường ổn định là gì?
- Cần nhớ rằng, để thị trường vàng ổn định thì cung - cầu phải gặp nhau. Muốn vậy, phải sửa quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, không thể chậm trễ hơn. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước rút lại vai trò độc quyền nhập khẩu vàng, để một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu theo khả năng. Thứ hai, bỏ thương hiệu quốc gia vàng miếng SJC để các sản phẩm vàng trên thị trường được cạnh tranh công bằng.
Vấn đề đặt ra là có cần ổn định thị trường vàng hay không. Tôi nghĩ là cần. Vẫn biết rằng giữ vàng là lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng, đối với nhiều người dân, vàng là kênh tiết kiệm, là thứ để họ tự bảo hiểm, vì thế, mua vàng là nhu cầu chính đáng.
- Ông dự báo thế nào về thị trường vàng trong năm 2025?
- Tôi cho rằng diễn biến giá vàng năm 2025 rất khó đoán, là ẩn số lớn. Thị trường vàng diễn biến ra sao phụ thuộc rất nhiều vào chính sách về kinh tế, thương mại, và chính trị của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong thời gian sắp tới. Trong năm 2025, giá vàng có cơ hội tăng với giả thuyết ông Donald Trump áp dụng biện pháp kinh tế cực đoan, trong đó có việc trục xuất hàng triệu lao động bất hợp pháp tại Mỹ, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, khiến giá lao động tăng. Bên cạnh đó, ông Donald Trump có thể áp thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu, từ đó làm tăng giá của rổ hàng hóa tiêu thụ nội địa. Giá hàng hóa tăng, cùng với giá lao động tăng sẽ khiến lạm phát bùng phát. Trong bối cảnh này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đảo ngược chính sách tiền tệ và tăng lãi suất trở lại để kiểm soát, khi đó sẽ đẩy giá trị đồng USD đi lên. Thông thường, giá trị đồng USD tăng sẽ khiến giá vàng giảm. Tuy nhiên, bản thân lạm phát lại làm giá trị đồng USD giảm và có thể là lực đẩy giá vàng lên.
Bên cạnh đó, biến động địa chính trị trên thế giới trong năm 2025 có thể rất lớn và nhà đầu tư sẽ lại tìm đến vàng như nơi trú ẩn tài sản an toàn, từ đó đẩy giá vàng lên.
Tổng hợp lại nhiều yếu tố, tôi cho rằng, năm 2025, nhiều khả năng giá vàng đi lên. Liệu giá kim loại quý có trở lại mốc 2.800 USD/ounce và lên mức 3.000 USD/ounce hay không thì khó có thể biết được, song giá vàng có khả năng sẽ tăng ngay từ tháng 1-2025.
Với giá vàng trong nước, vàng miếng khó có thể trở lại mốc 92 triệu đồng, trừ khi giá vàng thế giới tăng mạnh, đạt 2.800 USD/ounce. Với giá vàng nhẫn, không loại trừ khả năng có thể lên đến 90 triệu đồng/lượng vì vàng nhẫn chưa bị kiểm soát như vàng miếng. Nếu có điều thuận lợi với giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn có thể tăng nhanh và vượt giá vàng miếng.
- Vậy ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư?
- Cần hết sức thận trọng bởi giá vàng lên xuống thất thường. Nếu có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vàng, song “đừng cho hết trứng vào một giỏ” mà nên phân bổ vào một số kênh khác nhau như tiết kiệm, chứng khoán hay bất động sản; không bao giờ thấy giá vàng đang tăng mạnh mà vay tiền mua vàng, bởi sẽ rất rủi ro. Thực tế nhiều người đã làm như vậy và bị thiệt hại nặng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.