Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 được tổ chức sáng 26-12 theo hình thực trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu Bộ Y tế với các tỉnh, thành phố.
Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và Lifebuoy tổ chức.
Đề cập đến diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong năm nay, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2024, nước ta ghi nhận 141.100 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 16,7% so với năm 2023), trong đó có 28 ca tử vong (giảm 17 ca). Dù số mắc và tử vong giảm nhưng người dân và ngành Y tế vẫn không thể chủ quan vì số liệu này vẫn cao hơn giai đoạn năm 2016-2020.
Ngoài sốt xuất huyết, năm 2024, nước ta cũng ghi nhận 287.548 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 18,6% nhưng số ca tử vong tăng 5 ca. Thống kê cho thấy, các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, có bệnh nền như: Đái tháo đường, tăng huyết áp…
Ông Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm, sởi là bệnh đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay.
Số liệu báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023) và 6.725 ca dương tính với sởi (tăng hơn 130 lần so với năm 2023). Trong đó, một số tỉnh, thành phố có số mắc cao như: Đồng Nai (6.360 ca), thành phố Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Trong 13 ca tử vong do sởi chủ yếu là trẻ có “bệnh chồng bệnh”, người già có bệnh nền.
Từ số liệu nêu trên, ông Nguyễn Lương Tâm nhận định, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng, trong đó có việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, từ đó tác động tới tình hình dịch bệnh.
“Nguyên nhân gia tăng sởi là do miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt thấp sau đại dịch Covid-19. Thậm chí, có nơi, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đạt cao nhưng số ca mắc sởi vẫn gia tăng. Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, khó khăn công tác quản lý đối tượng tiêm chủng. Thống kê số trẻ tiêm chủng không sát thực tế. Hơn nữa, tại các thành phố lớn, không ít bà mẹ vẫn “anti” (tẩy chay) vắc xin. Do đó, dịch sởi ở một số thành phố xuất hiện nhiều”, ông Nguyễn Lương Tâm nói.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trong năm 2025, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho rằng, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng nhanh, quyết liệt. Với bệnh sởi, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh viện cần phân tuyến, phân luồng sàng lọc ca bệnh ngay khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, trong năm 2025, các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng, nhất là tiêm vắc xin sởi.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sức khoẻ nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khân cấp về y tế công cộng...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cũng cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.