(HNM) - Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do có độ mở lớn nên nền kinh tế chịu tác động đan xen bởi tình hình thế giới phức tạp, khó lường… Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương về kết quả tăng trưởng 2022 cũng như các vấn đề, thách thức cần vượt qua trong năm 2023.
- Bà đánh giá thế nào về tăng trưởng kinh tế năm 2022?
- Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đạt kết quả cao hơn hẳn so với chỉ tiêu kế hoạch ban đầu, thể hiện rõ sức vươn, quyết tâm vượt khó của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở tất cả các khu vực kinh tế.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Kết quả xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng ghi dấu ấn rõ nét bên cạnh việc kiểm soát tốt lạm phát…
Tuy nhiên, năm 2022 kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Sản xuất công nghiệp trong quý IV-2022 có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu. Xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,5% so với năm trước...
- Bà có thể cho biết thêm về hoạt động ngoại thương năm 2022?
- Mặc dù, tổng cầu thế giới suy giảm, nhưng năm 2022 kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn vượt mốc 700 tỷ USD. Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021. Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Thực tế, xuất khẩu tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nói chung. Đây là kết quả nổi bật, thể hiện sự linh hoạt cũng như khả năng thâm nhập thị trường của doanh nghiệp và sức mạnh của hàng Việt trên thế giới.
- Để duy trì nhịp độ xuất khẩu thì doanh nghiệp cần làm gì trong năm 2023, thưa bà?
- Theo tôi, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất, quy trình, phương thức quản trị doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); đồng thời có biện pháp ứng phó hiệu quả với tranh chấp thương mại vẫn đang gia tăng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
- Hiện nay, thị trường lao động xuất hiện tình trạng thiếu việc làm. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Nói chung cả năm 2022, thị trường lao động vẫn tiếp tục phục hồi. Lực lượng lao động, số lao động có việc làm, thu nhập đều tăng so với năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn năm 2021.
Nhưng thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đơn hàng có thể giảm đến hết quý I, thậm chí quý II-2023 dẫn đến lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Để thị trường lao động ổn định, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp…
- Ngày càng xuất hiện thêm sự lo ngại về kinh tế. Vậy theo bà, những động lực nào để kinh tế tăng trưởng trong năm 2023?
- Năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp cả về chính trị, kinh tế - xã hội trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn, nhất là biến động giá nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có tác động từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...
Như vậy, có thể thấy nhiều thách thức đặt ra đối với nền kinh tế trong năm 2023. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, tuy thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 nhưng vẫn là mục tiêu đầy thách thức.
Các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Cùng với đó, cầu tiêu dùng phục hồi sau dịch Covid-19 và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa là động lực quan trọng, tiếp đà đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào mặt hàng đạt giá trị cao và có lợi thế. Đầu tư công cũng là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.