Ngày 25-4, UBND huyện, Liên đoàn lao động huyện Ứng Hòa phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.
Với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” và Tháng Công nhân năm 2024, với chủ đề "Đoàn kết công nhân, triển khai nghị quyết”, Lễ phát động thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tham dự.
Năm 2023, huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động hiệu quả. Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật về công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động cho 150 lượt cán bộ phụ trách y tế, cán bộ nhân sự, cán bộ an toàn của các cơ sở lao động trên địa bàn. UBND, Liên đoàn lao động huyện đã tổ chức 9 lớp truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn huyện với 1.817 người tham dự…
Hằng năm, huyện phối hợp với Liên đoàn lao động hỗ trợ người lao động, đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp; tổ chức thăm, tặng quà công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại 18 doanh nghiệp về thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.
Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, trong năm 2023, trên địa bàn huyện còn xảy ra 2 vụ tai nạn lao động (trong đó 1 vụ chết người, 1 người chấn thương), tăng 1 vụ so với năm trước; còn tình trạng một số doanh nghiệp, đơn vị lơ là, chủ quan, chưa quan tâm, chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động, còn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại tài sản Nhà nước, doanh nghiệp, tính mạng người dân...
Để thực hiện hiệu quả Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn cần hưởng ứng bằng hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn; phát động phong thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, người lao động; quan tâm, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo...
Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thôn, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm. Về phía người lao động cần chủ động, tích cực, tự giác thực hiện nghiêm quy định về biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề, ứng dụng kỹ thuật, trang bị kỹ năng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.