(HNMO) - Sáng 11-1-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.
Hội nghị có sự tham gia của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cùng đại diện các sở, ngành.
Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế, từ năm 2017 đến 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt.
Từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần).
Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-5-2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Các địa bàn trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng đều quan tâm phát triển hệ thống thực phẩm sạch an toàn và chú trọng kết nối với các vùng thực phẩm sạch tại các tỉnh lân cận thông qua các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mà đại đa số là sản phẩm thực phẩm nông nghiệp (thực phẩm, đồ uống, thảo dược…) thu hút sự hưởng ứng của cả nước. Hiện nay đã có 3.794 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 374 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Cả nước có 6 tỉnh đã thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, gồm: Quảng Ninh, Bến Tre, Quảng Nam, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên, trong đó Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện chương trình này với 196 sản phẩm.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.994 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (giảm 29,6%), số mắc giảm 1.478 người (giảm 42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (giảm 37,2%), số tử vong giảm 9 người (giảm 52,9%).
Chất lượng hàng hoá trong nước phải như xuất khẩu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với tinh thần hành động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá thẳng thắn, toàn diện kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm những năm qua, các điểm tốt, tồn tại cần tập trung khắc phục. Trong đó, cần nhấn mạnh những giải pháp nhằm thực hiện tốt pháp luật và các cuộc vận động, các phong trào về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong năm 2019, thành phố không ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm nào có tới vài chục người mắc. Điều đó cho thấy, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của hệ thống chính trị toàn thành phố. Đặc biệt, thời gian qua, vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã rõ hơn, được triển khai mở rộng tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn từ tháng 7-2019. Lực lượng này đã tạo ra sự chuyển biến nhanh, tích cực trong việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…
Để mang lại hiệu quả, thành phố cũng đã yêu cầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đi kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm ít nhất 1 lần/tháng; chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần. Với việc phân công cụ thể, rõ người, rõ trách nhiệm đã giúp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đạt nhiều hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân, như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017, đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).
Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Công An, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ những kết quả đạt được sau khi thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-5-2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…
Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” giảm hẳn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm đến tận cấp xã, từ đó tạo sự chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất. Việc tổ chức hội nghị này khi còn gần hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán cũng nhằm quán triệt tinh thần bảo vệ quyền quan trọng của con người là sức khỏe, là mạng sống. Cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ quyền cơ bản của người dân.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Công an đã phá được vụ buôn lậu thuốc bắc giả, gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân, đồng thời lưu ý phải xử lý nghiêm các vụ hàng giả, kém chất lượng nhập lậu qua biên giới… Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… đều đã chú trọng phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch có kết nối với các vùng sản xuất lân cận. Đa số tỉnh, thành phố đã ban hành quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, dần xóa bỏ các cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung với tiêu chuẩn quốc tế.
Nhắc lại chuyến thị sát ở một xã của huyện Đông Anh (Hà Nội),Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở, xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tại buổi thị sát này, cán bộ xã nắm rất rõ quy trình sản xuất, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… của các hộ sản xuất.
Thủ tướng cũng nêu rõ, thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về an toàn thực phẩm, như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải xử lý nghiêm những vi phạm an toàn thực phẩm, không được bỏ qua một vụ việc nào. Dựa trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm. Những bức xúc về thực phẩm bẩn, không an toàn đã giảm mạnh, cả về số lượng, mức độ... Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” cũng đã giảm hẳn.
Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với hơn 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Đề cập những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo Thủ tướng, cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020 phải có những chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác an toàn thực phẩm ở tất cả các cấp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, đề xuất mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương. Bài toán lớn hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ, trình Thủ tướng phê duyệt.
Một giải pháp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thủ tướng dẫn chứng, vào ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng ông Công, ông Táo sắp tới, người dân thường thả cá rồi bỏ túi nilon thì môi trường sẽ không tốt. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để giáo dục, nâng cao ý thức của người dân.
Sau hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.