(HNMO) - Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, phát triển là hoạt động quan trọng và thường xuyên của mỗi nền kinh tế. Nhằm tạo bước tiến lớn trong khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam, giải pháp được ưu tiên thực hiện là chủ động cải cách về thể chế mạnh mẽ hơn nữa. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về nội dung này.
- Xin ông cho biết kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp trong tháng 10-2020?
- Trong tháng 10-2020 đã có 12.205 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 165.601 tỷ đồng, tăng 18,4% về số doanh nghiệp, giảm 18,5% về vốn so với tháng 9-2020. Ngoài ra, có 5.044 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 10,4% so với tháng 9-2020.
Ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.293 (tăng 0,7%); số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 3.579 (giảm 12,6%); số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.413 (giảm 18,6% so với tháng 9-2020). Thống kê trên cho thấy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Một số chủ doanh nghiệp đang chờ đợi cơ hội kinh doanh hoặc trông đợi các chính sách hỗ trợ để cân nhắc việc thành lập doanh nghiệp.
- Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 đã mang lại hiệu quả ra sao, thưa ông?
- Chính phủ đã triển khai các chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc hạn chế giao thương trên thế giới, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, đã khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có 111.160 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn 1.594 nghìn tỷ đồng; giảm 2,9% về số doanh nghiệp nhưng tăng 11,1% về vốn so với cùng kỳ năm 2019. Đà giảm về số doanh nghiệp thành lập mới cũng từng bước được hãm lại. Nếu 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,2%; 7 tháng giảm 5,1%, thì 9 tháng năm 2020 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2020 là 37.710 đơn vị, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, “bức tranh” khởi nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khả quan nhờ các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả; đặc biệt là dịch bệnh được kiểm soát tốt.
- Ông có thể dự báo kết quả thành lập doanh nghiệp của cả năm 2020?
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc đưa ra dự báo là rất khó. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến tích cực, trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như hiện nay thì số doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay có khả năng đạt mức xấp xỉ năm 2019 (hơn 138.000 doanh nghiệp). Đây sẽ là kết quả đáng ghi nhận của nền kinh tế.
- Ông có thể nêu rõ hơn giải pháp cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định của Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan đến khởi nghiệp kinh doanh để thực hiện liên thông, cắt giảm thủ tục không cần thiết; khắc phục hạn chế của những quy định pháp lý hiện hành. Kết quả, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-10-2020.
Theo đó, doanh nghiệp giảm đáng kể thông tin cần kê khai và số cơ quan nhà nước cần tiếp xúc; giảm bớt số lượng thủ tục, hồ sơ, chi phí, thời gian thực hiện thủ tục gia nhập thị trường. Đáng chú ý là việc tích hợp 3 quy trình gồm: Đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ, kê khai một biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại một cơ quan. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước. Đây là sự tiến bộ trong cải cách vì doanh nghiệp.
- Theo ông, việc cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới?
- Điều này là chắc chắn. Thực tế cho thấy, việc tích hợp nói trên có thể rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Cụ thể là toàn bộ thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp; đăng ký sử dụng hóa đơn; khai trình việc sử dụng lao động... sẽ được thực hiện trong thời hạn 3 ngày (đúng thời hạn quy định tại Luật Doanh nghiệp)...
Cùng với việc ban hành các nghị định, quy định liên quan khác thì quy trình khởi nghiệp kinh doanh giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Việc cải cách này sẽ tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.