Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2016: Xảy ra 12 vụ cản trở tác nghiệp báo chí

Nguyễn Quỳnh| 01/11/2016 17:43

(HNMO) - Trong 2 ngày 1 và 2-11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada, Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) và Văn phòng UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị thường niên tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí.

Hội nghị thường niên tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí


Tại hội nghị các đại biểu đã nhấn mạnh tới việc cần phải có khung pháp lý quy định rõ quy trình và chuẩn mực tác nghiệp đối với nhà báo.

Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 2-11 là “Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các hành vi vi phạm an toàn báo chí”. Theo báo cáo đánh giá hành vi cản trở tác nghiệp báo chí ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016, thời gian gần đây, số lượng các vụ việc cản trở tác nghiệp có xu hướng gia tăng một cách đột biến so với năm 2011. Cụ thể, năm 2014 ghi nhận số vụ cản trở tác nghiệp cao nhất với 38 vụ (gấp đôi năm 2011). Chỉ tính riêng năm 2016 đã có tới 12 vụ cản trở tác nghiệp báo chí được ghi nhận. Các hình thức cản trở tác nghiệp báo chí như: dùng lời lẽ đe dọa trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông như điện thoại; hành hung nhà báo bằng vũ lực.

Theo dõi về hành vi cản trở tác nghiệp từ năm 2010, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) nhận thấy, nhiều vụ việc bắt nguồn từ xung đột của tác nghiệp báo chí với hoạt động công vụ hoặc tác nghiệp của ngành khác. Nhưng phải đến va chạm giữa phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh và Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh tại cầu Nhật Tân (Hà Nội) thì xung đột tác nghiệp mới trở thành xung đột mang tính pháp lý.

Trong đó phóng viên có quyền được bảo vệ theo Điều 7/NĐ-159 và công an có thể xử phạt phóng viên theo điều 6 cũng nghị định này. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ cản trở tác nghiệp. Tuy nhiên, các thảo luận sau vụ việc chưa làm rành mạch được vấn đề.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, để hạn chế những hành vi cản trở tác nghiệp báo chí ở nước ta cần có những quy tắc tác nghiệp riêng và chung của từng cơ quan báo chí và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan đó. Mặt khác, cần có các lớp cơ bản và chuyên sâu để bồi dưỡng và tập huấn các kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo. Cùng với đó, các nhà báo phải nâng cao nhận thức về quyền hạn cũng như có đạo đức nghề nghiệp trong khi đi tác nghiệp để hạn chế những rủi ro.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp) cho biết thêm, ở các nước phương Tây coi báo chí như quyền lực thứ tư, có luật pháp riêng về quyền bảo vệ khi nhà báo, phóng viên đi tác nghiệp. Còn ở Việt Nam pháp luật chưa cụ thể, có sự chồng chéo trong quy định.

Theo quy định, phóng viên đi tác nghiệp chỉ cần đưa thẻ phóng viên là được. Thế nhưng, khi vào Viện Kiểm sát nhân dân thì họ yêu cầu cần có giấy giới thiệu của tòa soạn. TS Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cần phải có khung quy định rõ ràng tạo thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2016: Xảy ra 12 vụ cản trở tác nghiệp báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.