Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2016, đóng BHXH - trừ nhiều khoản vẫn lo

Minh Bắc| 28/12/2015 11:12

(HNMO) - Nhiều doanh nghiệp và người lao động vẫn đang lo về cách đóng bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1-1-2016 theo Luật định. Khoản nào trong thu nhập của người lao động sẽ phải tính để đóng và nó ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp, người lao động đang là mối quan tâm của nhiều người…

Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2016 sẽ có tác động đến chi phí tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động và doanh nghiệp. Đó là điều không phải nghi ngờ.



Đóng BHXH nhiều chỉ lợi khi nghỉ hưu?

Để thực hiện Luật này, ngày 11/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, tiền lương tháng để của người lao động để tính đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau: Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 đó là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; Từ ngày 1/1/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; Đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định.

Thực chất cách đóng BHXH mới là nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu được hưởng mức lương đảm bảo cho cuộc sống hơn và đồng thời chống thất thu ngân sách cho BHXH. Trước đó, tiền lương để làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động nhỏ hơn thu nhập của người lao động rất nhiều. Bởi quy định như vậy nên nhiều người sử dụng lao động( NSDLĐ) đã chủ động có những phương thức tính toán nhằm giảm tối đa tiền đóng BHXH mà không phạm Luật. Cách thức đầu tiên NSDLĐ thường áp dụng là quy định tiền lương trong hợp đồng lao động bằng một khoản tiền chỉ lớn hơn mức lương tối thiểu, còn một phần khác được xem là phụ cấp, trợ cấp. Cũng là lương nhưng doanh nghiệp lại chia nó ra làm nhiều loại phụ cấp như phụ cấp chuyên cần, năng suất để làm giảm phần đóng BHXH.

Cách thứ hai là NSDLĐ trả lương ròng cho NLĐ nghĩa là NLĐ không phải đóng BHXH mà NSDLĐ đóng hộ luôn. Theo đó, mức đóng BHXH của NSDLĐ vẫn sẽ thấp hơn mức đóng gồm cả phần đóng BHXH cho NLĐ. Tất nhiên NLĐ đóng BHXH thấp hơn hoặc nghĩ mình không phải đóng nên họ dễ dàng chấp nhận theo tính toán của NSDLĐ. Do vậy, tiền đóng BHXH cho người lao động chỉ chiếm 66% mức thu nhập thực lĩnh của người lao động. Hệ quả là lương hưu người lao động được hưởng rất thấp, không đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, nhiều người lao động lại không lo nhiều tới tương lai về hưu.

Với quy định mới về tiền đóng BHXH theo NĐ 115 sẽ làm cách tính toán của NSDLĐ không còn tác dụng nữa.

Vẫn lo dù đã loại nhiều khoản không phải đóng BHXH...

Với quy định mới của NĐ 115 thì tới đây NSDLĐ phải chỉnh sửa lại Hợp đồng lao động với NLĐ trong đó buộc phải ghi rõ mức lương, các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác trả cho NLĐ. Chính từ đây mới gây ra lo lắng cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Lo mức lương ghi trong Hợp đồng lao động với các khoản phụ cấp như thế nào để mức đóng thêm vào BHXH ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến thu nhập người lao động?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng "Cùng với tăng lương tối thiểu vùng, tăng tiền đóng BHXH sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong khi doanh thu chỉ có một cục, tăng cái này buộc họ phải cắt giảm khoản khác, phụ cấp sẽ biến tướng làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động". Các DN đã thực hiện tăng lương tối thiểu cho người LĐ nay thêm sức ép tăng BHXH, có thể khiến nhiều DN rơi vào khó khăn... Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ dù tỷ lệ đóng BHXH vẫn như cũ nhưng nền đóng lại cao hơn nên NLĐ đóng một đồng thì doanh nghiệp phải đóng tới hai đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước từ trước tới nay đã xây dựng bảng lương để chi trả cho người lao động, nhưng nay để tính tiền nộp BHXH thì phải chờ thông tư hướng dẫn Nghị định 115/2015 về thi hành luật BHXH quy định các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác.

Còn các doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ LĐTB&XH. Thông tư này giúp doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương mới hay nói cách khác là thang bảng lương thay thế cho thang bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP. Thang bảng lương mới sẽ được ghi vào Hợp đồng lao động làm căn cứ để tính mức đóng BHXH, BHYT, phí CĐ.

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều phải thực hiện bước chuyển đổi này. Các khoản phụ cấp lương có thể được tính theo Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 16/11/2015 của Bộ LĐTB&XH. Theo đó, các khoản phụ cấp lương là để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ… Các khoản bổ sung khác được xác định theo Điều 4 của thông tư 47/2015. Thông tư này cũng loại trừ rất nhiều khoản không phải đóng BHXH, như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, điện thoại, tiền nuôi con nhỏ, sinh nhật...

"Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, NLĐ sẽ đóng 8% cho BHXH, 1,5% cho BHYT, 1% cho BHTN, tổng cộng là 10,5%. Còn NSDLĐ đóng 18% cho BHXH, 1% cho BHTN, 3% cho BHYT và 2% cho phí Công đoàn , tổng cộng là 24% lương hàng tháng theo Nghị định 115".


Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp cũng như người lao động sẽ phải tăng thêm tiền đóng bảo hiểm các loại. Mức tăng tùy thuộc vào tiền lương , tiền phụ cấp ghi trên Hợp đồng lao động.

Điều đó sẽ làm cho thu nhập của người lao động trong tháng sẽ bị thấp hơn so với trước. Các doanh nghiệp đông người lao động như các doanh nghiệp ngành dệt, may… thì số tiền đóng thêm cho bảo hiểm sẽ không hề nhỏ. Đó là gánh nặng đóng BHXH với hai nỗi lo.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước sẽ ít bị sức ép hơn là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường lao động, buộc các doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng lao động thật hiệu quả, tăng cường sự quản lý, đầu tư để tăng năng suất lao động bù đắp vào khoản phải đóng thêm cho bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2016, đóng BHXH - trừ nhiều khoản vẫn lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.