(HNM) - Trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng liên quan tới bất đồng do chính sách của Mỹ về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần phải bảo đảm sự "minh bạch toàn diện" về các khoản trợ cấp này. Hai bên cũng nhất trí cần liên lạc thường xuyên ở cấp bộ trưởng, đặc biệt là về các khoản đầu tư chiến lược.
Sự nhất trí này đạt được trong cuộc thảo luận ngày 7-2 giữa Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng một số quan chức khác tại thủ đô Washington (Mỹ). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã ủng hộ ý tưởng của EU về trợ cấp xanh nhằm bù đắp cho những thiệt hại mà khối này lo ngại do những tác động từ IRA của Mỹ.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Washington và EU chia sẻ nhiều mục tiêu giống nhau và cả hai bên đều muốn bảo đảm có đủ nguồn cung cấp tất cả những sản phẩm quan trọng đối với năng lượng sạch, như pin, tấm pin mặt trời, tua bin gió.
Bộ trưởng Yellen nêu rõ: "Nếu châu Âu hành động để đưa ra các khoản trợ cấp tương tự như chính sách của chúng tôi thì đây là chính sách khí hậu tốt. Chúng tôi sẽ hợp tác với họ".
Được ban hành tháng 8-2022, IRA là đạo luật chi tiêu mang tính bước ngoặt của Mỹ khi dành khoảng 370 tỷ USD để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới một nền kinh tế ít các bon bằng cách giảm thuế và trợ cấp cho các công ty sản xuất hoặc sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng như ô tô điện, pin mặt trời tại nước này. Nhưng IRA đang gây nhiều quan ngại cho EU. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, chính sách hỗ trợ giá này sẽ khiến các công ty châu Âu khó cạnh tranh hơn và có thể chuyển hướng đầu tư khỏi khối, dẫn tới các tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. Dù thừa nhận mục tiêu của đạo luật là tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lo ngại IRA là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ và có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua trợ cấp - một cuộc chiến thương mại không có lợi cho EU. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt, EU nên cho phép tăng các mức độ trợ cấp nhà nước dành cho các doanh nghiệp để có thể cạnh tranh công bằng với Mỹ trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác. Trong trung hạn, châu Âu cần một giải pháp mang tính tái cấu trúc với hình thức một chính sách công nghiệp ở diện rộng dưới sự bảo trợ của EU. EC cũng đưa ra ý tưởng về thiết lập một sự hợp tác giữa Mỹ và các đối tác để bảo đảm độ tin cậy, tính minh bạch, điều kiện công bằng, giá trị ở quốc gia về nguyên liệu thô. Ngoài ra, việc thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi của EU sang năng lượng xanh cũng là một chủ đề cần ưu tiên. Đây cũng là nội dung đã được các nhà lãnh đạo EU đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 9 và 10-2.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, châu Âu đang cần tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ để đối phó với hệ lụy từ cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là những tác động lớn về kinh tế. Do đó, với mỗi quyết định đòi hỏi nguồn trợ cấp lớn cho các lĩnh vực có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau.
Mỹ và EU vốn là đồng minh lâu đời. Nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, chắc chắn cả hai bên sẽ cùng tổn hại và khiến sự đoàn kết bị lung lay. Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận thận trọng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jannet Yellen đã nói: “Có đủ hoạt động kinh doanh để tất cả các bên được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.