Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt Myanmar: Mở rộng cánh cửa

Thùy Dương| 16/09/2016 06:12

(HNM) - Chuyến thăm kéo dài 12 ngày (từ ngày 14-9) tới Mỹ của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi được coi là cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi sự cô lập của Washington. Không nằm ngoài kỳ vọng của bà San Suu Kyi, trong cuộc hội kiến tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã

Tổng thống Mỹ B.Obama hội kiến với bà Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng hôm 14-9.



Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar kể từ cuối những năm 1990. Các biện pháp bao gồm: Cấm nhập khẩu hàng hóa của Myanmar và các doanh nghiệp Mỹ cũng bị cấm đầu tư vào nước này. Tuy nhiên, những năm gần đây, Washington đang rất muốn mở rộng quan hệ với Nay Pyi Taw để cạnh tranh sự ảnh hưởng với các cường quốc khác tại Châu Á và giúp các doanh nghiệp Mỹ có được lợi thế từ sự mở cửa của một trong những nền kinh tế có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Các nhà ngoại giao Mỹ cho biết, lợi ích căn bản của Mỹ ở Myanmar là thực hiện “một Myanmar thống nhất, hòa bình, phồn thịnh, dân chủ, tôn trọng quyền lợi của nhân dân”.

Sau năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thực hiện chính sách “tiếp xúc thiết thực” đối với Myanmar. Năm 2011, Washington đã gỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt, quan hệ Mỹ - Myanmar có bước tiến mới, thể hiện ở bốn phương diện: Giới chức cấp cao hai nước tăng cường giao lưu; đa dạng hóa hoạt động giao lưu; thúc đẩy thương mại; các dự án hỗ trợ và đầu tư song phương và đa phương. Từ phương diện hỗ trợ và đầu tư, Mỹ đã cổ vũ đồng minh cùng nhiều tổ chức quốc tế tham gia đầu tư vào Myanmar. Các dự án hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu phát triển mạnh ở quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra còn nhiều dự án viện trợ khác nhau của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Dẫu vậy, các công ty Mỹ vẫn gặp phải nhiều hạn chế trong kinh doanh tại Myanmar. Các biện pháp mà Mỹ đang áp đặt chủ yếu là hạn chế giao dịch với các tập đoàn do quân đội Myanmar điều hành, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích và đá quý từ nước này, Mỹ cũng đưa nhiều nhân vật tại Myanmar vào “danh sách đen”.

Thế nên trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà San Suu Kyi kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái, chủ nhân của Giải Nobel hòa bình muốn tìm kiếm sự trợ giúp của Washington như một tín hiệu ủng hộ rộng rãi hơn đối với tiến trình dân chủ của quốc gia này. Mặc dù vẫn chưa rõ ràng, nhưng chiến lược kinh tế mới của Myanmar có thể sẽ dành nhiều ưu tiên cho khu vực nông nghiệp, cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định khu vực tài chính và giải quyết nạn tham nhũng.

Sự kiện ông chủ Nhà Trắng tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt với Myanmar đã đánh dấu một mốc son trong quan hệ hai nước, một mối quan hệ gần như không tồn tại cách đây 5 năm nhưng cũng đồng thời là điều mà các doanh nghiệp Mỹ đã chờ đợi từ lâu. Quan trọng hơn, các nhà phân tích cho rằng, việc thúc đẩy quan hệ với Myanmar và tăng cường mối quan hệ cá nhân với bà San Suu Kyi là một trong những thành công trong chiến lược “xoay trục” về Châu Á của ông B.Obama. Thông qua sự hiện diện dày đặc hơn tại quốc gia này cũng như duy trì mối giao lưu chính trị tốt đẹp, Mỹ sẽ mở rộng được vai trò và vị thế tại Đông Nam Á, qua đó tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ván cờ chiến lược mà Washington khẳng định là một trọng tâm quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt Myanmar: Mở rộng cánh cửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.