Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ thuật Việt Nam- những sáng tạo trường tồn

LANHUONG| 20/10/2004 19:55

Hàng vạn năm tiến hoá, phát triển dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Việt Nam đã để lại cho chúng ta kho tàng đồ sộ các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ, đồ gốm sứ, đồ trang sức, trang trí mỹ thuật...

Hàng vạn năm tiến hoá, phát triển dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Việt Nam đã để lại cho chúng ta kho tàng đồ sộ các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ, đồ gốm sứ, đồ trang sức, trang trí mỹ thuật...

Trải dài khắp các làng xã, thôn bản trên toàn cõi Việt nam. Những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đó là sự sáng tạo trí tuệ, nhân dân của muôn vạn các nghệ sỹ, nghệ nhân dày công khổ luyện, sáng tạo tác phẩm, hình thành một nền văn hoá, văn minh truyền thống bền vững đầy tự hào của mỗi người dân.

Người Việt Nam tôn thờ tín ngưỡng đa thần giáo trong quan niệm vạn vật hữu linh cùng giao hoà, tiếp nhận các nền văn hoá Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa, các nước phương Tây, thấm đậm tư tưởng Phật giáo, đạo Lão, đạo Nho hình thành hợp thể đan xen, vừa bổ sung, gìn giữ sắc thái văn hoá, cảm quan thẩm mỹ có nét riêng.

Tâm thức người Việt Nam trân trọng đối với con người cụ thể, có danh tính, quê quán, nhiều tâm đức mang lại niềm vui hạnh phúc cho cộng đồng, làng xã, thôn bản. Những con người đó được mọi người đưa vào tôn thờ trong chùa, đền, miếu, nhà thờ tổ nghề, tổ dòng họ...theo uy danh và sự cống hiến mà trở thành các vị Phật tổ, thánh nhân, tổ nghề, tổ họ, thần hoàng làng...

Sự tôn xưng đáng trân trọng đó là một thành tố đầy sắc thái nhân văn trong truyền thống văn hoá Việt Nam.

Trog quá trình nghiên cứu tìm tư liệu, từ các bộ tàng thư, văn bia, minh văn trên chuông, khánh, biển gỗ... tên tuổi, nguyên quán, tài năng của nghệ sỹ, nghệ nhân hầu như không được lưu lại. Phần lớn các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, đồ gốm sứ... không ghi một dòng chữ người sáng tác. Trên văn bia minh văn chỉ ghi người đóng góp tài sản, tiền của, tâm đức để xây dựng tu bổ di tích. Đó là sự thiệt thòi của các nghệ sỹ, nghệ nhân, người trực tiếp sáng tạo ra muôn vàn tác phẩm mỹ thuật, những giá trị thẩm mỹ của người Việt, dần dần tích tụ từ thời xã xưa, hình thành kho tài sản văn hoá vô giá cho chúng ta hôm nay.

Nhìn lại lịch sử mỹ thuật Việt Nam, chúng ta tự hào bởi những tư duy sáng tạo, thẩm mỹ đã sớm có từ thuở hồng hoang. Tại hàng Đồng Nội (Hoà Bình) nằm ở dãy núi đá vôi, trong thung lũng hẹp, cửa hang nhìn về hướng Tây- Tây Bắc, lưng chừng núi, tiện việc lên xuống. Trong hang, khối nhũ đá lớn rủ xuống, ngang tầm người, theo chiều ánh sáng lọt qua cửa hang, hình ba mặt người dàn trải được khắc chìm nét sâu và rộng...

Tác phẩm điêu khắc đầu tiên cho thấy người nguyên thuỷ sống cách đây khoảng hơn 10 ngàn năm, đã để lại dấu tích thuộc nền văn hoá hoà bình, một tác phẩm mang ý tưởng thẩm mỹ hết sức quí, thuộc thời kỳ đồ đá mới, ghi nhận tư duy mỹ thuật sơ khởi và bước đầu của người Việt từ thuở hoang sơ.

Ở nơi khác, tại di chỉ khảo cổ Hà Cà, Nghinh Tắc, Động Ky (Thái Nguyên) các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hòn đá có khắc hình mặt người, hình lá cây, tác phẩm thẩm mỹ, tư duy văn hoá cách chúng ta khoảng 8 nghìn năm là những hiện vật, chứng tích mở đầu cho nền mỹ thuật tạo hình của người Việt Nam. Những hiện vật đó đánh giá, đặt ra những vấn đề bước đầu sự sáng tạo của các nghệ sỹ, nghệ nhân đáng trân trọng trong tư duy của người Việt.

Đến thời kỳ đồ đồng và đồ sắt, các nhà khảo cổ tìm thấy muôn vàn hiện vật, tác phẩm mỹ thuật, đồ gốm sứ, đồ trang sức, trông đồng... khẳng định sự định hình và phát lộ mạch tư duy thẩm mỹ thời Đông Sơn rực rỡ, huy hoàng.

Trải qua ngót nghìn năm Bắc thuộc, mỹ thuật Việt Nam bị đứt gãy, phải chăng còn dưới lòng đất, hoặc bị chu diệt trong âm mưu đồng hoá của kẻ thù xâm lược?

Đến thời Lý, sự phát triển và hưng thịnh của các loại hình văn học nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật được trở lại. Các vua, quan Lý đã xây dựng thể chế quốc gia độc lập, tự cường, các nghệ sĩ, nghệ nhân thời kỳ này có cơ hội thể hiện tài năng, trí tuệ khẳng định một thời huy hoàng, định hình phong cách cổ điển chịu ảnh hưởng từ nền mỹ thuật, điêu khắc Ấn Độ thông qua tư duy và bàn tay nghệ sỹ của người Chăm, sáng tạo nhiều tác phẩm mỹ thuật đầy nội tâm, uy nghi trong lịch sử mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Vua Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long đã cho xây dựng kinh thành hàng loạt cung điện nguy nga hoành tráng, sử thân Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: "Phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Vũ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng Nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng, bên trong thềm rộng có mái cong hàng hiên bao quanh bốn mặt...".

Ở Hà Nội, đến thăm đền Trấn Vũ, phố Quan Thánh, chúng ta sững sờ trước vẻ đẹp uy nghi của pho tượng đồng Huyền Thiên Chân Vũ Đại Đế. Về pho tượng này, trong cuốn Di tịch lịch sử văn hoá Việt Nam (Viện Hán Nôm) ghi nhận: "Năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đời Lê Hy Tông chúa Trịnh Tây Vương Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trông coi việc trùng tu quán Trấn Vũ ở địa điểm hiện nay. Triều đình cho bức tượng Thánh Trấn Vũ cao 3m96 nặng gần 4000kg bằng đồng đen, mặt vuông, mắt nhìn thẳng... giao cho trạng nguyên Đặng Công Chất (1616-?) và Thượng thư bộ công, tiến sĩ Hồ Sĩ Dương (1622-1681) soạn văn bia...".

Ở Hà Nội, người tạc và đúc pho tượng đồng quan trọng này được triều đình và nhân dân dựng tượng, ghi nhớ công lao người thấy tài hoá, điều hành công việc, nhân dân tín đồ đã thành tâm cùng thắp hương tôn kính ông. Đó là pho tượng ông Trùm Trọng, tượng được làm bằng đá xanh, to bằng người thực, mặt tượng chạm kỹ từng chi tiết, gò má nổi nếp nhăn, lắng sâu thần thái tư duy của người tài cao, đức trọng, vững vàng trong nghề nghiệp.

Có thể thấy suốt chiều dài lịch sử thời Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn và cho đến ngày nay, chúng ta đã giữ gìn hàng loạt các di tích lịch sử, văn hoá đáng tự hào trong truyền thống thẩm mỹ Việt Nam. Đó là sự sáng tạo trí tuệ, bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam cần và phải được tôn vinh trong niềm tự hào chung.

Bài và ảnh: Lan Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật Việt Nam- những sáng tạo trường tồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.