Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ: Một ước mơ bị từ chối

Thùy Dương| 16/03/2011 06:47

(HNM) - Dù hàng nghìn người Mỹ ở các bang Illinois, Ohio và Texas… tham gia cuộc biểu tình "Hãy cứu lấy ước mơ của người Mỹ" nhằm bày tỏ ủng hộ cuộc xuống đường của viên chức tại bang Wisconsin phản đối dự luật bãi bỏ quyền thương lượng tập thể của nghiệp đoàn, nhân viên cảnh sát và cứu hỏa (ngày 10-3 vừa qua) đảng Cộng hòa nắm đa số phiếu tại bang Wisconsin đã bỏ phiếu thông qua dự luật này.

Hàng nghìn người dân bang Wisconsin biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội bang ngày 10-3.


Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker hoan nghênh cuộc bỏ phiếu, chấm dứt ba tuần lễ đương đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề quyền lợi nghiệp đoàn. Dự luật vừa được thông qua sẽ xóa bỏ quyền thương lượng tập thể của gần 170.000 lao động khu vực công tại bang Wisconsin; đồng thời đòi hỏi họ phải đóng góp nhiều hơn cho quỹ lương hưu và y tế để cắt giảm thâm hụt ngân sách 3,6% của bang; cho phép bán các nhà máy điện của bang mà không cần phải gọi thầu, tăng thêm quyền hành pháp của ông S.Walker về chương trình bảo hiểm sức khỏe dành cho người nghèo.

Thống đốc S.Walker và các nghị sĩ Cộng hòa nói rằng họ không còn giải pháp nào khả dĩ hơn khi bang chìm trong tình trạng thâm thủng ngân sách trầm trọng. Ông S.Walker nhấn mạnh dự luật là cần thiết để bù đắp khoản thâm hụt 137 triệu USD trong năm tài khóa hiện tại (sẽ kết thúc vào ngày 30-6), và 3,6 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Thống đốc bang Wisconsin còn cảnh báo nếu dự luật không được thông qua thì hậu quả sẽ là một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Theo luật Mỹ, quyền thương lượng tập thể là một tiến trình thương thuyết tự nguyện giữa những người chủ với các nghiệp đoàn, nhằm đạt được những thỏa thuận về điều kiện làm việc. Thỏa thuận tập thể thường xoay quanh: mức lương bổng, số giờ lao động, huấn luyện chuyên nghiệp, chăm sóc y tế và an toàn lao động... Một thỏa thuận như vậy có giá trị như một hợp đồng lao động giữa chủ nhân và một nghiệp đoàn hay nhiều hơn. Tại Mỹ, thỏa thuận tập thể được đề cập đến trong Đạo luật Quan hệ lao động quốc gia (NLRA), ban hành từ năm 1935.

Kể từ khi được Thống đốc bang Wisconsin đề xuất cách đây 3 tuần, dự luật bãi bỏ quyền thương lượng tập thể đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ không chỉ tại bang Wisconsin mà còn ở nhiều bang khác trên khắp nước Mỹ. Theo ước tính của cảnh sát, khoảng 70.000-100.000 người đã tham gia biểu tình. Không chỉ các nghiệp đoàn phản đối, dự luật cũng không được các nhà lập pháp đảng Dân chủ đồng tình. 14 thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ thuộc bang Wisconsin đã lánh mặt khỏi bang Illinois từ ngày 17-2 để tránh bỏ phiếu vì không muốn chấm dứt quyền thương lượng tập thể của giới công chức. Lý do là dự luật này đòi các công chức đóng góp nhiều hơn cho bảo hiểm sức khỏe và hưu bổng; đồng thời hủy bỏ quyền thương lượng tập thể của các thành viên công đoàn.

Nhưng các cuộc biểu tình dù rầm rộ cũng đã không thể lay chuyển được Thống đốc S.Walker khi thông báo sa thải 1.500 công chức để giảm chi phí của bang và thông báo sẽ có hiệu lực vào ngày 4-4 tới nếu dự luật không được thông qua. Các cơ quan trong bang có 15 ngày để triển khai kế hoạch sa thải. Nhưng Thống đốc Wisconsin cũng cho hay cuộc sa thải tập thể này có thể được hủy bỏ nếu Thượng viện bang thông qua dự luật trên trước thời hạn. Cuối cùng, đảng Cộng hòa ở Thượng viện Wisconsin đã bỏ phiếu tước quyền thương lượng tập thể của nghiệp đoàn công chức, sau khi tìm ra cách đi tắt, bỏ phiếu không cần sự có mặt của 14 nghị sĩ Dân chủ. Chỉ một ngày sau dự luật được bỏ phiếu thông qua, Thống đốc bang Wisconsin S.Walker đã ký ban hành ngày 11-3, nhưng tới ngày 26-3 nó mới có hiệu lực. Từ giờ đến lúc đó là thời gian để các nghiệp đoàn ở Wisconsin thương lượng một số thỏa thuận có thể với chính quyền bang.

Vậy là làn sóng bất bình của bang Wisconsin dù đã lan rộng ra các bang khác, nhưng khi cơn thâm hụt ngân sách liên bang đang ở mức khủng hoảng như hiện nay thì mọi cuộc biểu tình cũng không thể khiến quyền thương lượng tập thể - một ước mơ của các công chức nghiệp đoàn - khỏi bị từ chối ngay trên đất Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Một ước mơ bị từ chối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.