(HNMO) - Mỹ hiện đang sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn hơn Saudi Arabia và Nga, đánh dấu lần đầu tiên vượt hai quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới này về trữ lượng dầu, một báo cáo mới đây cho biết.
Máy bơm dầu thô tại mỏ dầu ở California, Mỹ. |
Công ty Rystad Energy có trụ sở ở Oslo, Na Uy đã ước tính trữ lượng dầu có thể khai thác ở Mỹ từ các mỏ hiện có, các phát hiện, và các khu vực còn chưa được phát hiện lên tới 264 tỷ thùng. Trữ lượng này lớn hơn mức 212 tỷ thùng của Saudi Arabia và 256 tỷ thùng của Nga.
Nghiên cứu này phân tích 60.000 mỏ dầu trên toàn cầu trong thời gian 3 năm, cho thấy tổng trữ lượng dầu lửa của thế giới ở mức 2,1 nghìn tỷ thùng. Trữ lượng này lớn gấp 70 lần so với tốc độ khai thác dầu của thế giới khoảng 30 tỷ thùng dầu thô mỗi năm.
Các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia thường sử dụng nguồn tài nguyên dần lửa của mình để thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế, đặc biệt là đối với các quốc gia sản xuất dầu lớn như Mỹ.
Mới chỉ 3 năm trước, trữ lượng dầu mỏ của Mỹ còn đứng sau Nga, Canada và Saudi Arabia. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Mỹ vào những quốc gia như vậy đã giảm xuống trong những năm gần đây khi công nghệ nứt vỉa thủy lực (hydraulic fracturing) và các công nghệ mới khác đã giúp Mỹ khám phá thêm được những mỏ dầu lớn.
Theo dữ liệu mà Rystad Energy đưa ra, hơn một nửa trữ lượng dầu của Mỹ là dầu đá phiến, trong đó riêng bang Texas có trữ lượng hơn 60 tỷ thùng dầu đá phiến.
10 nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới. |
Dữ liệu về trữ lượng dầu của các quốc gia là rất quan trọng, nhưng chi phí sản xuất lại là một vấn đề mang ý nghĩa sống còn - theo ông Richard Mallinson thuộc công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects có trụ sở ở London.
“Con số về trữ lượng có ý nghĩa quan trọng nhưng còn nhiều yếu tố khác quyết định lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn mà các công ty dầu lửa và các quốc gia nắm giữ”, ông Mallison nói. “Sự nổi lên của nước Mỹ trong ngành dầu lửa không thể xóa mờ vai trò của Saudi Arabia và Nga, bởi những nước này có những loại dầu có chi phí sản xuất rẻ nhất trên thế giới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.