(HNM) - Những biện pháp chưa từng có tiền lệ tại Mỹ đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẩn trương áp dụng trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận tại tất cả 50 bang của nước này và có chiều hướng tăng đột biến trong những ngày qua với hơn 14.000 trường hợp dương tính. Các chuyên gia cũng lo ngại xứ Cờ hoa sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo của dịch bệnh, khi tác động tiêu cực của đại dịch sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống cũng như hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong dài hạn.
Một trong những động thái mạnh mẽ và đáng chú ý nhất vừa được đưa ra là tuyên bố của Tổng thống D.Trump về khả năng kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) để đối phó với dịch Covid-19. Đây là đạo luật ra đời từ năm 1950, cho phép Tổng thống có nhiều thẩm quyền hơn trong việc chỉ đạo hoạt động sản xuất trong tình trạng khẩn cấp. Cụ thể ở trường hợp này là yêu cầu các công ty công nghiệp chuyển sang sản xuất các thiết bị quan trọng và vật tư như máy thở, mặt nạ phòng độc, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Việc kích hoạt DPA là điều mà các chuyên gia quân sự, chuyên gia xử lý khủng hoảng cùng giới chính khách cấp cao Mỹ kêu gọi chính quyền thực hiện khi dịch Covid-19 lan rộng tại nước này.
Trước đó, hôm 14-3, Tổng thống D.Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Kể từ thời điểm này, Nhà Trắng đã tích cực làm việc với Quốc hội để đưa ra những chính sách kích thích kinh tế và trợ giúp người dân trên diện rộng, trong bối cảnh hầu hết các chỉ số đều giảm sâu. Ngay sau khi được lưỡng viện phê chuẩn, Tổng thống D.Trump đã ký ban hành đạo luật trị giá 104 tỷ USD, nằm trong gói 1.300 tỷ USD nhằm thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lương thực, miễn phí xét nghiệm toàn dân, hỗ trợ về thuế, trợ cấp thất nghiệp, giúp người dân và các doanh nghiệp đối phó với những tác động của dịch Covid-19. Đây cũng là một trong những kế hoạch chi tiêu lớn nhất trong tình trạng khẩn cấp liên bang.
Nước Mỹ hiện đã đóng cửa biên giới với Canada, cấm nhập cảnh với các nước châu Âu, hạn chế các chuyến bay từ Trung Quốc và những khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ngày 19-3, Bộ Ngoại giao nước này cũng thông báo sẽ đình chỉ dịch vụ cấp thị thực bình thường tại phần lớn các quốc gia do dịch Covid-19. Văn phòng Vệ binh quốc gia Mỹ cho biết, khoảng 1.500 lính thuộc lực lượng này đang được triển khai tại 22 bang để hỗ trợ đối phó với dịch bệnh, trong đó trọng tâm là bang New York - một trong những tâm dịch của Mỹ. Lực lượng quân đội cũng sẵn sàng để có thể được huy động giúp thành lập các bệnh viện dã chiến tại những bang có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Siêu tàu bệnh viện quân sự với 1.000 giường bệnh vừa được Tổng thống D.Trump điều tới Cảng New York nhằm hỗ trợ bang này đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng.
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Giới chức liên bang và nhiều địa phương ra lệnh đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh tại hàng loạt nhà hàng, quán bar và cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, cấm các hoạt động tụ tập đông người… nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Phát biểu trước báo giới, ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận, hiện chính phủ đang tập trung vào công tác ứng phó với dịch, do đó có sức ép rất lớn cả về thị trường chứng khoán và kinh tế khi dịch Covid-19 có thể kéo dài tới tháng 8-2020 và ảnh hưởng tiêu cực trong cả mùa hè này.
Chứng minh năng lực dẫn dắt đất nước trước đại dịch Covid-19 cũng được đánh giá là bài kiểm tra thực tế đầy khó khăn đối với Tổng thống D.Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai diễn ra vào cuối năm nay. Trước đây, sự khởi sắc của nền kinh tế luôn là dẫn chứng đầy thuyết phục đối với những cử tri ủng hộ vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, song đại dịch Covid-19 lại khiến nền kinh tế nước này lao đao. Tuy vậy, những kịch bản lạc quan vẫn được đưa ra, trong đó tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ hồi phục vào cuối năm nhờ các biện pháp ứng phó mạnh mẽ và hiệu quả nhằm đẩy lùi dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.