Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ Đức tìm hướng phát triển sản phẩm du lịch

Linh Tâm| 18/02/2022 09:17

(HNMO) - Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch thành phố Hà Nội vừa tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại huyện Mỹ Đức. Sau đó, gần 30 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp giúp Mỹ Đức phát triển các sản phẩm du lịch mới trong thời gian tới.

 Đoàn khảo sát thăm mô hình sản xuất tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận tại Làng nghề dệt Phùng Xá.

“Đánh thức” vẻ đẹp “ngủ quên”

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Tây Nam, huyện Mỹ Đức có điều kiện tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng với núi, đồng bằng, hệ thống sông, suối, hồ mang lại nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và loại hình du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Mỹ Đức cũng là huyện có tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh với Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn.

Ngoài ra, với địa hình bán sơn địa, Mỹ Đức còn sở hữu hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465ha, trong đó có trên 500ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi trên mặt nước. Cách đó không xa là Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120ha, có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe…

 Đoàn khảo sát tham quan chùa Bảo Đài.

Bên cạnh tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình đa dạng, Mỹ Đức còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng như nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá, Phù Lưu Tế; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ và đặc biệt là nghề múa rối ở Tế Tiêu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những tiềm năng ấy chính là “tài sản”, là nền tảng để Mỹ Đức xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2026 đã được huyện xác định.

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy, nhưng du lịch Mỹ Đức giống như cô gái đẹp đang ngủ quên, chưa thể phát huy hết những lợi thế sẵn có do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và khó khăn trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm…

Đi tìm sản phẩm đặc trưng

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Flamingo Redtours chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội không biết tới những điểm đến, tour tuyến độc đáo của Mỹ Đức do thông tin hạn chế, khó tiếp cận hoặc quá cũ. “Sau đại dịch, xu hướng của du khách đã thay đổi rất nhiều, chủ yếu là đi du lịch quanh Hà Nội, xu hướng staycation (du lịch tại chỗ) hay tour ngắn ngày. Mỹ Đức hoàn toàn có thể bắt kịp xu hướng này nếu có những cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng”, bà Vân Anh nói. 

Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch Long Việt Trần Quốc Hưng cho rằng, huyện Mỹ Đức nên kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nhỏ, các homestay để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. “Nếu được đầu tư bài bản, hệ thống này sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ và góp phần thúc đẩy du lịch huyện”, ông Hưng chia sẻ.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Travelive Việt Nam Trần Văn Xuân, huyện Mỹ Đức nên duy trì và làm tốt công tác quản lý Lễ hội chùa Hương, chú trọng phát triển loại hình du lịch tâm linh bởi đây là thế mạnh nổi trội không phải nơi nào cũng có được. Bên cạnh đó, Làng nghề dệt Phùng Xá cũng là một điểm đến thú vị, nhưng cần được đầu tư để khắc phục tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Song song với đó, huyện cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông tin về tiềm năng, điểm đến để ngày càng nhiều người biết tới du lịch Mỹ Đức.

Mộc góc hồ Quan Sơn.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Mỹ Đức, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho rằng, Mỹ Đức cần tăng cường xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến với các doanh nghiệp và các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, đồng thời, tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch, tăng cường đầu tư cho sơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm an toàn và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu và sản phẩm truyền thông, số hóa ấn phẩm du lịch…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng...; sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp để Mỹ Đức có thể xây dựng được các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đặc trưng hút khách trong thời gian tới.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cũng cho biết, huyện đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch tâm linh tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn; Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương Sơn; Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn; phát triển loại hình du lịch tham quan, chụp ảnh vào mùa hoa sen tại xã An Phú, mùa hoa súng ở Hương Sơn; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp, làng nghề như: Xây dựng nhãn hiệu tập thể Rau sắng chùa Hương; xây dựng nhãn hiệu tập thể Dệt Phùng Xá... Các sản phẩm du lịch này sẽ được xâu chuỗi và tổ chức quảng bá với hình thức festival để kết nối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch nhằm phát triển thương hiệu du lịch Mỹ Đức trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức tìm hướng phát triển sản phẩm du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.