(HNM) - Cuộc khủng hoảng Syria bước vào khúc quanh mới khi không lực Mỹ mở cầu hàng không tiếp vận vũ khí cho lực lượng đối lập tại nước này. Như vậy, chỉ hai tuần sau chiến dịch không kích của Nga nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, lực lượng đối lập tại quốc gia này đã công khai nhận vũ khí từ Mỹ.
Ngày 12-10, một máy bay vận tải C-17 của Mỹ đã thả vũ khí cho phe đối lập - Damascus gọi là phiến quân - mang tên: Liên minh Arab Syria (SAC). Lực lượng này đang chiến đấu tại miền Bắc Syria, giúp Mỹ và liên quân thu thập tin tức tình báo về các mục tiêu của IS trên mặt đất.
Theo kế hoạch mới, Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân ở Syria. |
Cầu hàng không được Mỹ thiết lập trong bối cảnh lực lượng IS vừa đánh bật SAC khỏi các mục tiêu quan trọng bên ngoài thành phố Aleppo, áp sát khu công nghiệp do quân đội Chính phủ Syria đang bảo vệ. Quyết định cung cấp vũ khí của Lầu Năm Góc cho SAC được tiến hành sau khi Mỹ dừng chương trình đào tạo lực lượng mà Mỹ cho là ôn hòa ở Syria. Chương trình đào tạo trị giá 500 triệu USD nhằm huấn luyện và trang bị cho lực lượng đối lập một đội quân vài nghìn người để chống lại IS. Các cố vấn quân sự Mỹ đã chật vật tuyển mộ những chiến binh Syria - những người chỉ chiến đấu chống lại IS chứ không phải Chính phủ của Tổng thống Syria Basha Al-Assad. Sau đó, họ được đưa tới những trại huấn luyện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Tại đây, họ tiếp tục được sàng lọc nhằm loại bỏ bất cứ gián điệp cài cắm nào của IS và các tổ chức khủng bố khác. Quá trình này diễn ra rất chậm, nhiều chiến binh phải chờ đợi một thời gian dài trước khi bước vào khóa huấn luyện. Sau hơn nửa năm, Mỹ mới chỉ huấn luyện được chưa đầy 200 chiến binh. Thế nhưng, sau quá trình tuyển mộ, huấn luyện đầy khó khăn, những đơn vị nổi dậy đầu tiên do Mỹ huấn luyện đã hứng chịu thất bại liên tiếp khi đối đầu với các tổ chức phiến quân đối địch. Một tiểu đoàn quân nổi dậy thậm chí còn trao toàn bộ vũ khí, trang bị do Mỹ cung cấp cho phiến quân Al-Qaeda. Dường như thất bại trong chương trình quân sự hóa lực lượng đối lập tại Syria của Mỹ là nguyên nhân chính khiến chiến dịch chống IS của Washington rơi vào bế tắc. Hàng nghìn cuộc không kích của Mỹ và liên quân đã không ngăn chặn được sự mở rộng của IS ở cả Iraq lẫn Syria. Trong bối cảnh Nga vừa "đi trước" một bước - hỗ trợ quân sự trực tiếp quân đội Chính phủ Syria mở các cuộc phản công chiếm lại lãnh thổ bị mất vào tay phiến quân - Lầu Năm Góc đã buộc phải chọn phương án khác. Theo đó, Mỹ sẽ chỉ cấp vũ khí cho SAC. Quân đội Mỹ cũng sẽ mở các cuộc không kích vào mục tiêu do SAC xác định.
Đánh giá về thay đổi mới của Mỹ trên chiến trường Syria, các nhà phân tích cho rằng, Washington rất khó thành công trong việc tập hợp các nhóm nổi dậy có chung mục đích làm suy yếu IS. Quan trọng hơn, khi Washington viện trợ vũ khí cho quân nổi dậy đối lập, thế giới sẽ quay lại thời Chiến tranh Lạnh với tiền lệ là việc Mỹ cấp vũ khí cho chiến binh thánh chiến Afghanistan để họ chống lại quân đội Xô Viết vào cuối thế kỷ trước. Hành động đó đã từng đẩy cuộc đối đầu phương Tây - Mátxcơva đi xa hơn. Không những vậy, lịch sử lặp lại tại Syria còn tiềm ẩn một nguy cơ. Đó là: Bất cứ vũ khí nào do Mỹ cung cấp cho phiến quân tại Syria sau này đều có thể được dùng để chống lại lợi ích của Mỹ. Nó sẽ đẩy Mỹ vào tình thế mạo hiểm khi số vũ khí viện trợ cho quân nổi dậy lọt vào tay IS, hoặc các lực lượng nổi dậy khác.
Trong bối cảnh quân Chính phủ Syria đang giành lại quyền kiểm soát và chủ động trên chiến trường nhờ những cuộc không kích hiệu quả của không lực Nga, có luồng dư luận cho rằng, lúc này Mỹ nên chọn giải pháp đối thoại với Nga hơn là mạo hiểm tuồn vũ khí cho phe đối lập tại Syria. Vì như vậy chỉ khiến Syria lao vào một vòng xoáy nguy hiểm mới. Giải pháp khả thi nhất trong những ngày tới là tìm kiếm bước đột phá ngoại giao, dọn đường cho một chiến dịch thống nhất chống IS ở Syria. Để làm được điều đó, Mỹ hẳn không thể từ chối Nga như một đối tác để giải quyết khủng hoảng.
Đại sứ quán Nga ở Syria trúng 2 quả rocket Theo AFP, phóng viên ảnh của hãng tin này ở Syria cho biết, 2 quả rocket đã được bắn vào khu vực Đại sứ quán Nga ở Damascus chiều 13-10, tạo nên khung cảnh hỗn loạn vào thời điểm có khoảng 300 người tập trung diễu hành ủng hộ cuộc không kích của Mátxcơva tại nước này. Nhân viên Đại sứ quán Nga ở Syria cũng đã xác nhận với Hãng RIA Novosti thông tin trên và cho biết, không có nhà ngoại giao nào bị thương trong vụ tấn công. Hiện chưa rõ lực lượng nào đứng đằng sau vụ nã pháo này. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố vụ nã pháo trên là hành động khủng bố nhằm vào những người ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.