(HNM) - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 đã hướng tới việc kết thúc cuộc chiến của xứ Cờ hoa tại quốc gia Tây Nam Á mà nhiều người gọi là “cuộc chiến không hồi kết”. Bước đi này cho thấy Washington đang dành ưu tiên cho những chiến lược khác.
Phát biểu từ Phòng Hiệp ước của Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden tuyên bố Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9, tròn 20 năm kể từ sau vụ tấn công khủng bố của Al-Qaeda tại Mỹ, khơi mào cho cuộc chiến kéo dài của Washington với mục tiêu “bảo vệ nước Mỹ từ xa”.
Năm 2020, chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt ra hạn chót để rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan là ngày 1-5 theo thỏa thuận với lực lượng Taliban (đổi lại Taliban cam kết sẽ cắt đứt mối liên hệ với Al-Qaeda và chấm dứt cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ). Tuy nhiên, chính quyền hiện tại cho rằng thời hạn này khó có thể đạt được do thiếu thời gian chuẩn bị, cùng với việc Taliban không tuân thủ các cam kết về giảm bạo lực.
“Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ về nhà” - tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng đánh dấu quyết định về chính sách đối ngoại nổi bật nhất trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của mình. Ông J.Biden là Tổng thống Mỹ thứ tư đối mặt với chiến sự tại Afghanistan.
Theo Hãng tin AP, cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến hơn 2.200 binh lính Mỹ tử vong và hàng chục nghìn người khác bị thương, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD của nước này. Hiện, xứ Cờ hoa duy trì khoảng 2.500 lính tại Afghanistan, rất ít so với 100.000 lính thời kỳ đỉnh điểm hồi năm 2011.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 30 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng thống nhất rút hết quân của NATO khỏi Afghanistan theo lộ trình mà Mỹ đã thông báo. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, NATO rút quân không đồng nghĩa với chấm dứt mối quan hệ với Afghanistan mà là sự khởi đầu cho một chương mới, để người dân nước này xây dựng tương lai bền vững cho chính mình. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng khẳng định, các lực lượng của nước này "đủ năng lực" để bảo vệ đất nước và sẽ làm việc với các đối tác nhằm bảo đảm một cuộc chuyển giao suôn sẻ.
Dù vậy, giới quan sát nhận định, việc rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cũng đi kèm với những nguy cơ rõ ràng, đặc biệt là khi các thỏa thuận hòa bình còn dang dở. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát của các phe nhóm tại đây được đánh giá có thể còn kéo dài. Chính quyền Kabul và Taliban sẽ ít có cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình nếu không có lính Mỹ hiện diện tại nước này, Afghanistan có thể bất ổn hơn khi các bên tranh nhau lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại. Giới chức tình báo Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ Afghanistan sẽ gặp khó khăn trong việc kiềm chế lực lượng Taliban nếu liên quân do Mỹ dẫn đầu rút đi, đồng thời khả năng thu thập thông tin của Mỹ trước các mối đe dọa cũng giảm.
Bình luận về quyết định này, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống J.Biden tin rằng nước Mỹ đối mặt với những mối đe dọa và thách thức của năm 2021, chứ không phải của năm 2001. Điều Washington cần làm là tập trung vào năng lượng, tài nguyên, con người cùng những thách thức và đe dọa nhức nhối nhất đối với nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định, dù rút quân song Mỹ sẽ không rời mắt khỏi các nguy cơ khủng bố. Xứ Cờ hoa đang điều chỉnh chiến lược quốc gia để theo dõi và ngăn chặn các mối đe dọa không chỉ ở Afghanistan mà còn ở bất kỳ đâu nếu chúng phát sinh.
Có thể thấy, bước đi mới của chính quyền Tổng thống J.Biden được kỳ vọng đưa nước Mỹ bước ra khỏi "bóng ma" của vụ khủng bố kinh hoàng 2 thập kỷ trước để tập trung cho những ưu tiên trong bối cảnh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.