Trong báo cáo công bố ngày 10/9, Nhóm Tình trạng an ninh quốc gia thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng của Mỹ, một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng các phần tử khủng bố trong nước đã trở thành một trong những nguy cơ chính mà nước Mỹ phải đối mặt trong chín năm kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Trong báo cáo công bố ngày 10/9, Nhóm Tình trạng an ninh quốc gia thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng của Mỹ, một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng các phần tử khủng bố trong nước đã trở thành một trong những nguy cơ chính mà nước Mỹ phải đối mặt trong chín năm kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001. (Nguồn: Internet)
Theo báo cáo trên, ngày càng có nhiều người Mỹ tự nguyện gia nhập các nhóm khủng bố.
Có ít nhất 43 công dân hoặc cư dân Mỹ có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan và dính líu tới những đối tượng đã bị kết án phạm tội khủng bố tại Mỹ hoặc nước ngoài.
Một sự biến đổi khác trong nguy cơ trên là tình trạng ngày càng đa dạng hóa các kiểu đối tượng thánh chiến tại Mỹ.
Báo cáo nêu rõ các phần tử thánh chiến ngày nay ở Mỹ không thể xác định dựa trên bất kỳ đặc điểm riêng nào như yếu tố sắc tộc, tuổi tác, giới tính, kinh tế, giáo dục hay xã hội. Những đối tượng này có thể sinh ra tại Mỹ hoặc Afghanistan, Ai Cập, Pakistan hay Somalia.
Thêm vào đó, nhiều công dân hoặc những người sống tại Mỹ đã đảm nhận vai trò ngày càng nổi bật trong việc lên kế hoạch và lọt vào hàng ngũ lãnh đạo của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng như các nhóm liên minh với chúng.
Tổng kết từ hàng loạt cuộc phỏng vấn các quan chức cấp cao về chống khủng bố của Mỹ, báo cáo nêu rõ các cơ quan an ninh nội địa Mỹ chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với các nguy cơ ngày càng tăng.
Các máy bay dân dụng vẫn là mục tiêu số một của khủng bố vì ngay cả khi bị bại lộ thì âm mưu này vẫn tác động không nhỏ tới tâm lý người dân, an ninh và nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cũng cho rằng sẽ không xảy ra các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn tương tự vụ 11/9/2001. Trong bối cảnh Mỹ và các nước đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, các tổ chức cực đoan đã chuyển chiến lược tấn công, chủ yếu tập trung vào các mục tiêu nhỏ với đối tượng thực hiện ngày càng đa dạng, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan an ninh trong việc phát hiện và ngăn chặn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.